Ngày 26/11, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ước tính hơn 150 tỷ đồng.
UBND tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, trong đó ưu tiên khắc phục, sửa chữa các điểm, tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để sớm có giải pháp khắc phục, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Thống kê đến chiều 26/11 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho thấy, mưa lũ đã làm 5 căn nhà ở các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam bị sập, tốc mái và sạt vách.
Nhiều địa phương bị ngập sâu và kéo dài, một đoạn trên tuyến Quốc lộ 27A bị sạt lở cục bộ; đường Quốc lộ 27B bị sạt lở đoạn từ Km 42+400 và Km 39+600; tuyến đường ven biển đoạn Mũi Dinh - Cà Ná (huyện Thuận Nam) bị sạt lở mái ta-luy.
Ngoài ra, tuyến đường ven biển đoạn qua suối nước đi Bình Tiên, xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) bị sạt lở 100 mét; đường tỉnh lộ 702 tại cầu Suối Nước Ngọt, đoạn Hiệp Kiết - Bình Tiên (huyện Thuận Bắc) bị sạt lở 1/2 mặt đường, gây ách tắc giao thông; đoạn đường Ninh Chữ (huyện Ninh Hải) đi Bình Tiên (huyện Thuận Bắc) sạt lở mái ta luy, đất đá rơi cục bộ xuống nền gây ách tắc giao thông.
Bên cạnh đó, mưa lũ cũng làm hư hỏng các công trình thủy lợi như: Công trình Đập hạ lưu sông Dinh; đoạn đê biển thuộc khu phố 8, phường Đông Hải, mặt đê bị sụt lún 2 vị trí với tổng chiều dài 40 mét, rộng từ 2 - 4 mét; Kênh Bắc của huyện Ninh Hải sạt lở dài 20 mét; bờ sông Lu, đoạn thị trấn Phước Dân và xã Phước Hải, huyện Ninh Phước bị sạt lở 70 mét; bờ sông Dinh tại xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước bị sạt lở 600 mét; đường giao thông nông thôn, nội đồng ở huyện Thuận Nam bị sạt lở khoảng 7.200 mét...
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Ninh Thuận có hơn 4.200 ha lúa và hoa màu bị ngập; hơn 5.000 gia súc, gia cầm bị chết do lũ. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng làm hơn 20 ha đìa tôm bị ngập, sạt lở; hơn 60 bè với khoảng 200 lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại lớn.
Ông Võ Kim Thuần, Chi Cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết, bão số 9 xảy ra trên địa bàn tỉnh ở cấp 6 (39-49 km/giờ) gây mưa lớn diện rộng, tuy không thiệt hại về người và tài sản, nhưng gần 220 ha lúa ở huyện Tân Trụ đã bị đổ ngã.
Trước đó, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các ngành, địa phương chủ động ứng phó với bão, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa; rà soát, bảo đảm an toàn bến bãi, bến phà, đò ngang. Các địa phương chuyên canh cây ăn trái có biện pháp ứng phó với mưa to kết hợp triều cường... để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa bão...
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Long An, sau cơn mưa kéo dài từ ngày 25 đến sáng 26/11, một số tuyến đường của thành phố Tân An bị ngập. Nhờ chủ động phòng, chống bão nên kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp không đáng kể.
Trong hai ngày 25 và 26/11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa to đến rất to khiến mực nước tại nhiều hồ chứa, hồ thủy điện dâng cao.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 26/11, đã có 14/19 hồ chứa lớn đạt dung tích chứa từ 70% đến 100% so với thiết kế. Trong đó, 10 hồ chứa được các đơn vị quản lý và điều hành chủ động xả lũ, hoặc cho nước qua tràn để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như đón thêm lượng nước từ nguồn về.
Để hạn chế xả lũ vào ban đêm, một số hồ đã tăng cường xả lũ ban ngày với lưu lượng lớn trong một số thời điểm, như hồ Tà Rục xả 283m3/s, hồ Suối Hành 138 m3/s, hồ Suối Dầu 130 m3/s vào ngày 25/11... gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương vùng hạ du. Đến ngày 26/11, lưu lượng nước xả lũ của số hồ nói trên đã giảm dần.
Mặc dù vậy, do mưa lớn chỉ diễn ra ở phía Nam của tỉnh Khánh Hòa nên một số hồ chứa có dung tích lớn ở phía Bắc của tỉnh vẫn trong tình trạng thiếu nước, như hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) có dung tích chứa 75 triệu m3, hiện chỉ chứa trên 24 triệu m3 (chiếm tỷ lệ 32%); hồ thủy điện Ea Krongrou (thị xã Ninh Hòa) có dung tích chứa thiết kế 35 triệu m3, hiện chỉ chứa gần 14 triệu m3 (chiếm tỷ lệ 38%)…
Tỉnh Khánh Hòa hiện có 30 hồ chứa nước, trong đó có 28 hồ thủy lợi và 2 hồ thủy điện, với dung tích tổng khoảng 250 triệu m3 nước. UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn; lập đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.