Hà Giang có 277 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, trên dọc tuyến biên giới ngoài các cặp cửa khẩu còn có nhiều đường mòn, lối mở. Để thực hiện tốt công tác chốt chặn, kiểm soát cư dân qua lại biên giới trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19 (nCoV)), những chiến sĩ quân hàm xanh miền cao nguyên đá Hà Giang đã dựng lều bạt, ăn ngủ tại chỗ, túc trực 24/24 giờ trong tiết trời lạnh giá.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, từ 26/1 (tức mùng 2 Tết Canh Tý), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng Công an, Dân quân và Y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm đội ngũ quân y tham gia phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; thành lập hàng chục tổ chốt chặn, 2 tổ cơ động sẵn sàng ứng phó cho các tuyến trọng điểm.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ nhiệm hậu cần Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: Là lực lượng cắm chốt ở địa bàn biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, đặc biệt đây lại là tuyến biên giới giáp với Trung Quốc – nơi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, do đó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo thành lập 38 tổ chốt chặn dọc biên giới, đồng thời thành lập 2 tổ cơ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh tại các tuyến trọng điểm. Lực lượng tham gia tại các điểm chốt chặn này được cung cấp đầy đủ khẩu trang, thuốc sát khuẩn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ những người qua lại, đặc biệt là tại các lối mở, đường mòn.
Tại điểm chốt chặn lối lên đường mòn gần mốc 419 trên địa bàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, một chiếc lều bạt dã chiến được dựng ven đường, 6 chiến sĩ gồm 4 chiến sĩ biên phòng cùng 2 chiến sĩ là công an và dân quân thực hiện ăn ngủ tại chỗ, túc trực 24/24 giờ dưới tiết trời mưa rét thấu xương, cứ vài ngày các anh lại thay phiên nhau về Đồn Biên phòng Đồng Văn cách đó hơn 5 km để tắm rửa.
Đại úy Lê Văn Hợp - cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết, vì điểm chốt chặn không có điện, không có nước nên anh em ở đây rất khó khăn, tuy nhiên với tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc” nên anh em động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ. “Trong thời gian cắm chốt tại đây, lực lượng làm nhiệm vụ đã ngăn chặn hàng chục lượt người qua lại biên giới trái phép, giải thích và tuyên truyền cho người dân hiểu về tình hình dịch bệnh; đồng thời cũng đưa một số lao động từ Trung Quốc trở về nước đến khu cách ly để được theo dõi và chăm sóc sức khỏe” – Đại úy Hợp cho biết thêm.
Tại Trạm Y tế xã Lũng Cú, nơi đang có 9 công dân của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc vừa từ Trung Quốc trở về được cách ly và theo dõi sức khỏe, ông Nguyễn Duy Đông – Phó Trạm trưởng cho biết: Được sự hỗ trợ của quân y Đồn Biên phòng Lũng Cú, Trạm thành lập tổ phản ứng nhanh và đã tiếp nhận, cách ly theo dõi tình hình sức khỏe của 9 người (trong đó có 8 lao động từ Trung Quốc trở về, một người là thân nhân đi đón người nhà). Hiện 9 người này chưa có biểu hiện ho, sốt hay khó thở, tuy nhiên họ vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi trong những ngày tới.
Anh Thò Mí Xá ở Liêm Sơn, huyện Mèo Mạc là một trong số 9 người đang được theo dõi tại khu cách ly của Trạm Y tế xã Lũng Cú cho biết, anh đi lao động bên Trung Quốc, do lo sợ dịch bệnh nên đã về và được cán bộ biên phòng đưa vào trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe. Hàng ngày anh được cán bộ biên phòng và các bác sĩ thăm khám sức khỏe, lo chỗ ăn chỗ ngủ nên cảm thấy rất yên tâm.
Theo Thiếu tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, những trường hợp cách ly và được theo dõi sức khỏe thì đơn vị cũng chỉ đạo lực lượng quân y, đặc biệt là trạm quân dân y cùng kết hợp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần cho những công dân này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các tổ chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ tại các cửa khẩu, đặc biệt tại các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn người dân không xuất cảnh trái phép, đồng thời tuyên truyền cho cư dân biên giới nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cho cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại Hà Giang chưa ghi nhận cho nhiễm bệnh nào.
Qua công tác phòng, chống dịch COVID-19, một lần nữa hình ảnh người chiến sĩ quân hàm xanh lại mang đến cho người dân vùng biên viễn cực Bắc của Tổ quốc sự yên bình, yên tâm trong cuộc sống.
*Ngày 14/2, tại Trường Trung học Phổ thông Phủ Lý A, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với VNPT Hà Nam triển khai miễn phí đến tất cả các giáo viên của 378 trường từ cấp tiểu học đến đại học trên địa bàn tỉnh Hà Nam chương trình dạy và học trực tuyến VNPT – Elearning dạy từ xa, học tại nhà.
Ông Trần Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Phòng khách hàng VNPT Hà Nam cho biết, hệ thống VNPT - Elearning là giải pháp giáo dục điện tử với đầy đủ các module chính như: Tin tức - sự kiện, hệ thống, phân quyền, người dùng, khóa học, kho học liệu, kho tài liệu, ngân hàng câu hỏi, báo cáo... Vai trò chính của Hệ thống giải pháp là giúp quản trị công tác tổ chức, quản lý đào tạo và giáo viên, đồng thời là kênh để học sinh học, thi, xem kết quả. VNPT - Elearning là lớp học số sinh động, mang lại nhiều lợi ích cho cả học sinh và giáo viên, giúp nhà trường tiết kiệm chi phí như tài liệu, giáo án, sổ ghi chép, bằng cấp… Qua chương trình, thầy trò có thể dạy và học từ xa, trao đổi sách vở bài giảng, giao bài tập và chấm điểm trong thời gian phải nghỉ học bắt buộc như nghỉ phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19 (nCoV)) gây ra.
Theo ông Trần Ngọc Ánh, lợi thế của VNPT - Elearning đó là học và làm bài trực tuyến, theo dõi kết quả học tập, đặc biệt là khả năng tương tác, trao đổi như ngồi trong lớp học, học sinh có thể live stream, chat với giáo viên theo thời gian thực. Trên nền tảng số VNPT - Elearning, giáo viên số hóa tài liệu, học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử và lưu hệ thống. Chuỗi giá trị gia tăng của VNPT - Elearning cũng là công cụ đắc lực để giáo viên theo dõi quá trình học, điểm danh và kiểm tra trực tuyến học sinh.
Đáng chú ý, lần đầu tiên, VNPT - Elearning xây dựng chương trình học tương tác qua Whiteboard và bài giảng SCORM là phương pháp học trực quan sinh động. Cùng với 3 thành phần học qua livestream, trao đổi bài học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến, VNPT - Elearning đã bao hàm toàn bộ chương trình tiếp thu kiến thức từ phía học sinh một cách chủ động và đầy đủ nhất.
Trong thời gian tới, VNPT Hà Nam sẽ triển khai, lắp đặt, tập huấn cho tất cả giáo viên của 378 trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam để các giáo viên có thể sử dụng các tài liệu, học liệu bản mềm thay vì bằng giấy tờ truyền thống; thiết lập bài giảng điện tử, theo dõi tiến trình học tập của học sinh, giao bài tập và chấm điểm cho học sinh; thiết lập những kỳ thi trực tuyến... Đối với học sinh, các em có thể vào xem và học lại bài giảng mọi lúc, mọi nơi sau khi học ở trường; thực hiện làm bài tập và nộp bài tập trực tuyến theo thời hạn, theo dõi tiến trình học và kết quả học trực tuyến...
Thầy giáo Lương Văn Dương, Hiệu phó Trường Trung học Phổ thông Phủ Lý A cho hay: Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam có công văn về việc triển khai hệ thống học trực tuyến VNPT – Elearning, Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực triển khai đến toàn bộ cho giáo viên để nắm rõ nội dung chương trình; tổ chức tập huấn cho giáo viên để thực hiện ngay trong thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19 và sẽ áp dụng lâu dài trong thời gian tiếp theo. Sau khi thực hiện, nhà trường sẽ thường xuyên có những buổi tổng kết đánh giá nội dung chương trình để có thể hoàn thiện thêm cho phù hợp với những đặc trưng riêng của nhà trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam, việc triển khai giải pháp dạy từ xa, học tại nhà không những mang lại công cụ hữu ích phục vụ các trường, phụ huynh, học sinh khắc phục kịp thời khó khăn trong học tập do dịch COVID - 19 gây ra mà còn được VNPT tiếp tục duy trì, mở rộng triển khai phục vụ cho công tác dạy và học tập lâu dài của ngành Giáo dục theo Quyết định 117/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.