Cà Mau tích cực khắc phục các 'điểm nóng' về ô nhiễm môi trường

Theo UBND tỉnh Cà Mau, dù đã được cải thiện nhưng tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn là lực cản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Khu vực  nội ô thành phố Cà Mau và trung tâm các thị trấn, rác thải còn  tồn đọng nhiều trên các tuyến sông, kênh rạch, các bãi đất trống. “Nóng” nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp. Đặc biệt tại khu công nghiệp Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), cụm công nghiệp Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp chưa được thu gom, xử lý triệt để. Song song với đó còn có các hoạt động xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn của các cơ sở chế biến thuỷ sản…

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Cà Mau, hiện các tuyến sông trong nội ô thành phố Cà Mau thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là đoạn sông từ cống Cà Mau đến ngã ba Hòa Trung, kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu, kênh Thống Nhất, kênh Ba Khoanh, sông Cái Nhúc… nước sông ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, nuôi trồng thuỷ sản của người dân thành phố mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của các huyện lân cận. Tại những khu vực này, mật độ ô nhiễm tập trung cao của nhà ở ven sông, chợ và cơ sở sản xuất ven sông… đã tạo nguồn thải lớn vào sông, rạch. Thêm vào đó, hầu hết các tuyến sông, rạch trong nội ô thành phố Cà Mau đều bị bồi lắng, khả năng thoát nước kém nên các chất thải ô nhiễm tích luỹ ngày càng trầm trọng.

Riêng khu công nghiệp Hòa Trung, thời gian qua, 9 cơ sở sản xuất công nghiệp (5 cơ sở chế biến thuỷ sản và 4 cơ sở chế biến chytin, nước mắm) tại đây đã phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm, gây nhiều bức xúc cho nhân dân trong khu vực. Nguyên nhân gây ô nhiễm là do không có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung, hầu hết, các sở sản xuất đều nằm cạnh kênh xáng Lương Thế Trân, nhiều vị trí xả thải nằm bên dưới nhà dân ven sông, nên rất khó kiểm soát việc xả thải. Thêm vào đó, do đặc điểm loại hình sản xuất chytin và nước mắm phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải phát tán rộng nhưng rất khó kiểm soát.

Đối với cụm công nghiệp Sông Đốc và khu vực tiếp giáp, hiện có 12 cơ sở sản xuất công nghiệp (trong đó có 3 cơ sở chế biến thuỷ sản, 9 cơ sở sản xuất bột cá) thời gian qua đã phát sinh nhiều khói bụi, mùi hôi, nước thải gây ô nhiễm. Tình trạng tương tự xuất hiện tại khu công nghiệp Hòa Trung. Do không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất tại đây đều nằm ven sông nên khó kiểm soát việc xả thải. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất chytin, sơ chế thuỷ sản nhỏ lẻ không có hệ thống xử nước thải vẫn đang tồn tại cạnh khu công nghiệp, nên mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Mặt khác, do đặc điểm loại hình sản xuất bột cá với công nghệ lò hơi đốt trấu rời nên phát sinh nhiều bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.

Cà Mau đang nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, góp phần cải thiện môi trường sống, bảo vệ sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tỉnh chỉ đạo đến hết tháng 5/2018, UBND xã, phường thành phố Cà Mau phải hoàn thành công tác tổ chức cho hộ gia đình ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác ra sông, rạch...; tăng cường kiểm tra các khu vực công cộng thường xuyên có phát sinh rác thải gây ô nhiễm, tiến hành lắp đặt camera giám sát các khu vực này. Tỉnh chỉ đạo thành lập 2 tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại xã Lý Văn Lâm và Phường 8, thành phố Cà Mau…

Đối với khu công nghiệp Hòa Trung, trước mắt, UBND tỉnh Cà Mau sẽ giải quyết cơ bản tình trạng các doanh nghiệp lén lút xả nước thải không qua xử lý; các nhà máy chế biến chytin, nước mắt phát tán mùi hôi ra môi trường. UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, UBND huyện Cái Nước, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường kiểm tra việc xả thải đối với các cơ sở. Bên cạnh đó, đến cuối năm 2018, các cơ sở sản xuất chytin, nước mắm phải có hệ thống xử lý triệt để khí thải, mùi hôi đã thu gom. Song song với đó, đến hết tháng 6/2018, ngành chức năng yêu cầu các cơ sở sản xuất này phải lắp đặt camera giám sát và điện kế điện tử tại hệ thống xử lý nước thải, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý, kiểm tra…

Đối với cụm công nghiệp Sông Đốc, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Sông Đốc với diện tích 100ha; đồng thời, không cho xây dựng thêm các nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài quy hoạch. Tuy nhiên trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu đến hết tháng 5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành công tác rà soát, kiểm tra các cơ sở có lò hơi sử dụng trấu rời; hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp trong việc xử lý và vận hành lò hơi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đến hết năm 2018, nếu các cơ sở vẫn không đảm bảo điều kiện về đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Cà Mau sẽ xem xét, đình chỉ sản xuất theo quy định.


Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tháng 3/2018, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh Cà Mau khẳng định: Năm 2018, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung xử lý những vấn đề môi trường lớn; ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp, xả thải của các cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh; sự phát triển các loại hình sơ chế thủy sản không có hệ thống xử lý…

“Chúng tôi sẽ tăng cường việc giám sát trách nhiệm của người đứng đầu về bảo vệ môi trường tại các sở, ngành, các địa phương theo sự phân công của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 09, tháng 8/2016 về tăng cường trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Trịnh Văn Lên, nhấn mạnh.

Năm 2017, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều doanh nghiệp có các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường với số tiền trên 650 triệu đồng; đồng thời, ghi nhận phát sinh thêm 9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Hưng Yên yêu cầu 13 doanh nghiệp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường
Hưng Yên yêu cầu 13 doanh nghiệp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử cho biết, tỉnh vừa quyết định phê duyệt danh sách 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2017 trên địa bàn cần xử lý, khắc phục ngay các hiện tượng xả thải vượt quy chuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN