Cá chết trắng sông An Cựu có thể do ô nhiễm hữu cơ

Người dân sống quanh sông An Cựu (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, hiện tượng cá chết nổi trắng sông là hiện tượng hiếm thấy trong hàng chục năm qua.

Cá chết trên sông An Cựu là một hiện tượng hiếm có trong hàng chục năm qua ở Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện khoảng từ 6 giờ ngày 22/8, càng về trưa số lượng cá chết càng nhiều hơn; đặc biệt tại đoạn quanh cầu Kho Rèn đến cầu An Cựu cá chết nổi trắng mặt sông, chủ yếu là cá gáy, cá diếc, cá chẻng... là những loài sống ở tầng mặt. Theo ghi nhận của phóng viên, trên đoạn sông này có hàng chục cống thoát nước sinh hoạt từ các khu dân cư đổ ra sông.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế giải thích: Nguyên nhân ban đầu cá chết trên sông An Cựu có thể do trên địa bàn vừa có mưa to, khí độc từ đáy sông bốc lên gây ô nhiễm nguồn nước.

Đây có thể gọi là hiện tượng yếm khí và ô nhiễm hữu cơ cục bộ. Hiện Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lấy mẫu để phân tích, tìm nguyên nhân cụ thể.

An Cựu là con sông đào lớn nhất chảy qua thành phố Huế được khơi thông vào thời nhà Nguyễn, dưới đời vua Gia Long (năm 1814). Sông An Cựu có điểm đầu nối với sông Hương kéo dài về đập Thần Phù với chiều dài gần 30 km.

Quốc Việt
Cá chết trên sông Mã là do mưa lũ cuốn nhiều phù sa
Cá chết trên sông Mã là do mưa lũ cuốn nhiều phù sa

Nước lũ đổ về có chứa nhiều bùn, đất, phù sa, làm thay đổi lớn và đột ngột các chỉ tiêu môi trường nuôi đã dẫn đến hiện tượng cá lồng nuôi trên sông Mã chết hàng loạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN