Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công tác chống hàng lậu, hàng giả thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt hơn trước và có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn.

Vi phạm tăng mạnh

Tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Cục Quản lý thị trường (QLTT) chiều 18/6, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng cho biết, trong 6 tháng, số vụ vi phạm phát hiện là 55.234 vụ, tăng hơn 6.500 vụ (tương đương 13,4% so với cùng kì); thu nộp ngân sách hơn 233 tỷ đồng (tăng gần 31 tỷ đồng, tương đương 15% so với cùng kì). Các con số tăng mạnh một phần bởi các lực lượng đã vào cuộc mạnh mẽ hơn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, mặt khác nó cũng cho thấy, diễn biến hàng lậu, hàng giả vẫn rất đáng lo ngại.

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị thu giữ tại tỉnh Sóc Trăng ngày 22/5.Ảnh: Chanh Đa – TTXVN



“Hoạt động của các đối tượng buôn lậu ngày càng phức tạp, sử dụng nhiều thủ đoạn vận chuyển khó phát hiện như thay đổi cung đường, vận chuyển với số lượng ít, không dùng xe khách mà dùng xe taxi, xe du lịch, xe tải, chủ yếu đi vào ban đêm… Chúng còn sử dụng các phương tiện hiện đại để vận chuyển như xuồng cao tốc, nhanh hơn cả xuồng của lực lượng chức năng”, ông Lam cho biết.

Không những thế, các đối tượng vi phạm cũng ngày càng manh động, chống đối liều lĩnh, khi bị xử lý hành chính thì có thái độ chây ỳ, thậm chí cướp lại hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Viết Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho biết, đối tượng buôn lậu thường hoạt động ban đêm, ngày nghỉ lễ, tết. Chúng thuê cửu vạn, người nghèo không công ăn việc làm mang vác, gùi cõng hàng lậu. Khi bị bắt, họ chạy trốn nên chưa khám phá được những vụ buôn lậu có giá trị lớn từ biên giới về nội địa.

Còn ông Vũ Mạnh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh chia sẻ câu chuyện mới đây, chi cục phát hiện hai xe ô tô đã được kẹp chì thông quan đang trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội có dấu hiệu nghi vấn. Đơn vị đã phối hợp cùng công an kinh tế cắt chì hai xe này và phát hiện nhiều loại hàng lậu. Hiện vụ việc đang được xử lý hình sự. “Có nhiều trường hợp đã lợi dụng xe kẹp chì của hải quan để qua mắt QLTT. Như vậy, đấu tranh chống buôn lậu phải từ chính lực lượng chống buôn lậu”, ông Hải đề nghị.

Cuộc chiến còn lâu dài

Ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải vẫn thẳng thắn nhìn nhận kết quả chống hàng giả, hàng lậu chưa được như mong đợi. Trong số nhiều nguyên nhân, ông Hải cho rằng, lực lượng mỏng, phân tán khiến hiệu quả chưa cao. “Chỉ có khoảng 6.000 cán bộ QLTT trên cả nước. Tính ra mỗi tỉnh thành có chưa đến 100 người. Có tỉnh, một cán bộ phụ trách địa bàn một huyện”, ông Hải cho biết.

Ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: “Nhờ sự phối hợp tốt của các chi cục QLTT trên cả nước nên hiện nay, chủ yếu chỉ còn buôn lậu xăng dầu, thuốc lá ở khu vực Tây Nam và buôn lậu hàng tiêu dùng ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, điểm nóng lại chuyển sang vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Đây là nhiệm vụ chính của chúng ta trong thời gian tới”.

Về việc cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, đó là những con sâu làm rầu nồi canh. “Chỉ một người vi phạm cũng làm mất lòng tin của nhân dân. Tôi không dám nói sẽ xóa bỏ được tham nhũng trong lực lượng nhưng chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất. Để làm được điều này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện chính sách luân chuyển, điều động cán bộ tại các khu vực nhạy cảm”, ông Hải cho biết thêm.

Đại diện các địa phương là điểm nóng của buôn lậu cũng kiến nghị, cần tăng cường sự phối hợp giữa các chi cục QLTT trong kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội dẫn chứng, địa bàn xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) là điểm nóng về hàng lậu, hàng giả ở lĩnh vực may mặc, giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh và để tập kết được hàng hóa về đây phải đi qua các tỉnh khác. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chi cục thì không thể ngăn chặn triệt để các vi phạm trên địa bàn này.

“Trong 6 tháng đầu năm, riêng tại hai điểm nóng là Ninh Hiệp và Hoài Đức, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý 131 vụ vi phạm, thu hơn 1,4 tỷ đồng”, Phó chi cục trưởng Nguyễn Công San cho biết. Các chi cục cũng đề nghị nhà nước đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị giúp lực lượng chống buôn lậu đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT yêu cầu các chi cục một mặt giám sát, kiểm tra việc thực hiện cam kết của các hộ kinh doanh ; một mặt tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và tuân thủ theo các quy định của pháp luật về chống buôn lậu.

Box: Một thực tế đáng buồn là mặc dù đã ký với lực lượng QLTT biên bản cam kết không sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu nhưng nhiều cơ sở vẫn vi phạm. Theo số liệu của Cục QLTT, qua kiểm tra 27.562 cơ sở kinh doanh đã ký cam kết, số cơ sở vi phạm lên tới 9.188 (chiếm hơn 33%). Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vi phạm cao như: Đà Nẵng (23,9%), Hà Nội (37%)…

Hoàng Dương
Phạt 50 triệu đồng một lái xe chở hàng lậu
Phạt 50 triệu đồng một lái xe chở hàng lậu

Ngày 14/2, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định xử phạt vi phạm hành chính Ngô Quang Khải, sinh 1982, ngụ ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang 50 triệu đồng vì đã có hành vi vận chuyển hàng lậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN