Bồ Lý khoác áo mới

Ai từng đến xã miền núi Bồ Lý, huyên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khoảng 10 năm trước, hẳn chưa quên được hình ảnh những con đường đất ven núi, những ngôi nhà tạm đủ che mưa, che nắng, những cánh đồng lúa xơ xác vì mất mùa. Nhờ có chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, Bồ Lý nay đã khoác lên mình chiếc áo mới.

Ông Nguyễn Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho biết: "Là một trong ba xã thuộc diện 135 xã nghèo nhất tỉnh, cái ăn đã khó đối với người dân thì việc đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng là việc nằm ngoài tầm với. Với tinh thần xây dựng, dân chủ và đoàn kết, chính quyền trong xã đã họp để bàn bạc kỹ lưỡng việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của nông thôn mới để người dân hiểu và tham gia. Từ đó, người dân thấy được ý nghĩa của chương trình và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào quy hoạch, đồng thời đóng góp tiền của, công sức...".

Từ một xã nghèo khó, Bồ Lý trở thành xã nông thôn mới.

Năm 2013, xã Bồ Lý đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% tuyến đường trục chính trong xã và liên xã được trải bê tông rộng từ 3,5 - 6,5 m; gần 55% đường trục nội đồng được cứng hóa; 3 cấp học mầm non, trung học, phổ thông và trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia; hơn 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập của người dân năm 2015 đạt gần 15 triệu đồng/người, không còn nhà tranh, tre, nứa lá, nhà dột nát… Đây là nền tảng vững chắc để Bồ Lý phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong những năm tiếp theo trên tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện đại và văn minh.

Có đường bê tông rộng rãi, kênh mương được cứng hóa, tưới tiêu thuận lợi, người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đưa Bồ Lý thoát khỏi xã thuộc diện 135. Là xã miền núi, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đó sản xuất nông nghiệp lại manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên. Để giải bài toán này, Bồ Lý xác định phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vận động nhân dân thi đua phát triển sản xuất.

Xây dựng kênh mương để phát triển sản xuất.

Ông Bùi Huy Hùng, thôn Ngọc Thụ, là một trong những người đi đầu trong việc mở rộng diện tích trồng na dai. Hiện tại, gia đình ông đang làm chủ gần 2 ha na dai, với giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Từ hiệu quả của gia đình ông Hùng, nhiều hộ dân ở Bồ Lý đã tận dụng những thửa ruộng bậc thang cao khó tưới nước để trồng na. Hiện toàn xã có hơn 300 hộ trồng na với diện tích hơn 110 ha.

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của địa phương, chính quyền xã còn khuyến khích người dân đưa các loại con, cây giống chất lượng cao, có giá trị về thử nghiệm tại địa phương; vận động và phối hợp chặt chẽ với các hộ dân để phát triển một vùng chuyên trồng dâu nuôi tằm và trồng cỏ voi nuôi bò sữa với diện tích gần 50 ha. Không chỉ có vậy, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao được người dân Bồ Lý mở rộng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 9,5%.

Những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới ở Bồ Lý đã góp phần đưa làng quê nơi đây có một diện mạo mới, thay đổi từ những con đường, ngõ xóm, những ngôi nhà cao tầng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên. Bồ Lý đang dần vươn lên và khẳng định vị trí xã điểm trong xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thị Thảo
Góp công, của xây dựng nông thôn mới
Góp công, của xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hoà Bình đã có nhiều thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN