“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” - câu nói nổi tiếng của Lãnh tụ Fidel Castro vang lên từ Cuba - hòn đảo tự do của châu Mỹ Latinh như tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu quật cường của quân dân Việt Nam trong những ngày tháng sục sôi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tình cảm sâu đậm ân tình ấy của người đồng chí, anh em, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam đã được thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể, đầy ý nghĩa. Một biểu tượng tiêu biểu của tinh thần ấy phải kể đến bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - một công trình đầy ý nghĩa nhân văn, thể hiện tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước anh em Cuba và Việt Nam.
Đoàn Cán bộ Quy hoạch đầu tiên của nước bạn Cuba sang giúp tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) lập quy hoạch xây dựng Thị xã Đồng Hới và chọn vị trí xây dựng bệnh viện mới. Ảnh: Tư liệu |
Nhân kỷ niệm 40 năm chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, mới đây, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Lại Văn Ly, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1973 - 1976 và là một trong bốn người vinh dự được chọn cử sang Cuba để tham quan và xây dựng bản quy hoạch, thiết kế bệnh viện mới ở Quảng Bình.
Lật lại hồi ức của 40 năm về trước trong sự nghiệp của mình, ông Ly kể cho chúng tôi nghe lý do vì sao Chủ tịch Fidel Castro quyết định xây tặng bệnh viện cho tỉnh Quảng Bình. Vào tháng 9/1973, bất chấp hiểm nguy, khó khăn, Chủ tịch Fidel Castro và đoàn công tác Cuba đã có chuyến thăm đặc biệt tới vùng giải phóng miền nam Việt Nam, đến với tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Khi đoàn xe đi được khoảng 15-20 km từ Đồng Hới vào Quảng Trị, bất chợt Chủ tịch Fidel Castro đề nghị cho dừng xe vì nhìn thấy một số người đang cáng một người bị thương bên lề đường. Chủ tịch Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn công tác xuống xe, thăm hỏi ân cần một nữ thanh niên bị thương do bom bi nổ khi cô đang cùng đoàn thanh niên địa phương san lấp hố bom, thông đường. Ngay lúc ấy, Chủ tịch Fidel Castro lệnh cho Đại sứ Cuba Valdes Vivo bố trí ô tô chở người bị thương đến Vĩnh Linh cấp cứu. Chủ tịch Fidel Castro xúc động mạnh trước những đau thương, mất mát và thiếu thốn mà quân dân Quảng Bình anh dũng đang trải qua. Để chia sẻ với những mất mát, hy sinh lớn lao của người dân Quảng Bình, Chủ tịch Fidel Castro quyết định xây dựng tại Đồng Hới một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với những trang thiết bị đồng bộ và hiện đại nhất nước ta thời bấy giờ.
Tinh thần "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" đã được thể hiện cụ thể trong từng cử chỉ, việc làm của Chủ tịch Fidel Castro. Ngay sau chuyến thăm tại tuyến lửa Quảng Bình trở về, Chủ tịch Fidel Castro cử ngay đoàn kỹ sư xây dựng do đồng chí Hecto Cuervo, Viện phó Viện quy hoạch Cuba dẫn đầu sang Quảng Bình nghiên cứu thực địa, giúp tỉnh Quảng Bình làm quy hoạch xây dựng lại thành phố Đồng Hới trong tương lai và xác định địa điểm thích hợp để xây dựng bệnh viện.
Ngày 19/5/1974, nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng các công nhân xây dựng hai nước Cuba - Việt Nam đã đặt viên gạch đầu tiên khởi công xây dựng bệnh viện. Trong quá trình thực hiện công trình, dù cách nửa vòng trái đất nhưng toàn bộ thiết bị, vật tư máy móc đều được vận chuyển từ Cuba sang Đồng Hới. Chủ tịch Fidel Castro còn cử một Đội xây dựng trên 100 người bao gồm cả kỹ sư và công nhân, lấy tên là “Đội xây dựng Nguyễn Viết Xuân” sang trực tiếp hướng dẫn và tham gia xây dựng.
Trải qua 7 năm miệt mài lao động kiên cường với bao công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả máu của cán bộ, công nhân hai nước, ngày 9/9/1981, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã được khánh thành với 19 khoa lâm sàng và cận lâm sàng; 7 phòng chức năng và có đủ số lượng cán bộ để tiếp quản bệnh viện với quy mô 462 giường bệnh cùng những trang, thiết bị đồng bộ, hiện đại. Công trình thể hiện mối tình đoàn kết, hữu nghị bền vững của nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba anh em.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, ngay sau khi đưa vào sử dụng, bệnh viện còn nhận được sự trợ giúp của trên 140 chuyên gia y tế Cuba ngày đêm cố vấn cả về chuyên môn kỹ thuật và công tác quản lý bệnh viện. Những tấm gương sáng của các đồng nghiệp Cuba không những về kiến thức, kỹ thuật mà còn thể hiện sự hy sinh cao cả bằng những giọt máu của mình để cứu sống người bệnh. Những nghĩa cử cao đẹp, tận tụy hết lòng vì người bệnh của các bạn còn đọng mãi trong mỗi trái tim người dân Quảng Bình.
Những năm qua, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển chuyên môn kỹ thuật và nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, tạo được niềm tin của nhân dân. Hiện nay, đây là bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Bộ Y tế với 600 giường bệnh, gồm 32 khoa phòng với gần 600 nhân viên; trong đó, trình độ đại học và sau đại học là 200 người.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Đoàn cho biết, bệnh viện đang triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển như đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới với tổng kinh phí 450 tỷ đồng; thành lập Trung tâm Ung bướu quy mô 100 giường bệnh; nâng cấp trang thiết bị từ nguồn vốn ODA Phần Lan 3,5 triệu euro... Hướng tới thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển, bệnh viện tích cực đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm đồng bộ các trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh như xây dựng khu kỹ thuật cao 7 tầng, thành lập mới một số khoa: Khoa Ngoại Mạch máu - Lồng ngực, Đơn vị Tim mạch can thiệp, Khoa Huyết học - Truyền máu,... Bệnh viện mua sắm máy chụp cộng hưởng từ 1,5 tesla, máy X quang tăng sáng (C-Arm), các máy xét nghiệm hiện đại.
Rời bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, trong cái nắm tay thắm đượm tình cảm, ánh mắt trìu mến của vị bác sĩ già Nguyễn Xuân Đoàn như sáng lên niềm tin tưởng và quyết tâm. Ông xúc động bày tỏ: Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước; mang những giá trị nhân văn to lớn trong công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Võ Thị Dung