“Biệt đội giải cứu đồ ăn”

Thành lập năm 2012, với tên gọi “Biệt đội giải cứu đồ ăn”, nhóm học sinh trung học đã xin thức ăn không dùng hết tại các nhà hàng, khách sạn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đồ ăn được thu gom đều là thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lấy từ những nhà hàng, khách sạn có uy tín.


Với phương châm “lấy từ nơi thừa, đem chia cho nơi thiếu”, đến nay đã có hơn 15.000 suất ăn được các em học sinh chuyển từ nhà hàng, khách sạn đến những người nghèo, bệnh nhân trong các bệnh viện và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Những tình nguyện viên nhí

Thành viên của “Biệt đội giải cứu đồ ăn” là những học sinh thuộc các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội như các trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Lương Thế Vinh, Chu Văn An, chuyên Ngoại ngữ… Các em làm việc hoàn toàn tự nguyện chứ không phải do một tổ chức hay nhà trường nào bắt buộc. Mặc dù lịch học gần như kín hết tuần, nhưng các em vẫn cố gắng sắp xếp ít nhất trong tuần có một buổi đi làm tình nguyện.

Các suất ăn được trao đến tận tay bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ với chúng tôi về động lực làm công việc này, em Nguyễn Diệu Anh, học sinh lớp 11 trường Chu Văn An nhớ lại: Lần vào bệnh viện thăm người nhà, em được chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân phải đứng, ngồi, xếp hàng để chờ được phát những suất cơm miễn phí do các cá nhân và những tổ chức từ thiện mang đến. Vì vậy em quyết định mình phải làm điều gì đó để giúp đỡ mọi người.

“Tình cờ một lần vào thăm bệnh nhân trong xóm chạy thận, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của họ, chúng em không khỏi xót xa. Nhìn cảnh hai cụ già tự chăm sóc cho nhau, vì không có tiền phải chung nhau ăn một suất cơm rau, đậu phụ mà không thể nào cầm được nước mắt”, em Trần Hồng học sinh lớp 11A1.0, trường Lương Thế Vinh kể lại.

Không dễ để tìm được nguồn thức ăn

Đưa đồ ăn đến với những người có hoàn cảnh khó khăn là cả một quá trình dài, nhưng khó nhất là làm thế nào để tìm và thuyết phục được mọi người đồng ý cung cấp đồ ăn cho nhóm. “Nhiều khách sạn lớn quy định không được đưa đồ ăn ra ngoài, nên chúng em gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thức ăn. Có những khách sạn đồng ý cho đồ ăn nhưng không yên tâm vì chúng em còn nhỏ, không chuyên nghiệp và có thể sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà hàng, khách sạn”, em Huỳnh Phương Linh, ban điều hành nhóm, học sinh lớp 11 Nhật, trường Chu Văn An cho biết.

Ban đầu, những nhà hàng, khách sạn rất lo lắng khi giao đồ ăn cho các em học sinh, vì họ lo lắng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng sau khi hướng dẫn, nhìn các em sắp xếp, phân loại đồ ăn một cách khoa học, sạch sẽ thì họ tin tưởng và rất yên tâm. “Nhiều khi khách sạn tổ chức tiệc xong nhưng còn nhiều đồ ăn, bỏ đi rất lãng phí. Việc làm của các em rất tốt: vừa giúp đỡ người nghèo vừa tránh tình trạng lãng phí đồ ăn tại các nhà hàng, khách sạn”, anh Lý Tuấn Tú, tổ trưởng bếp Á, khách sạn Dân Chủ cho biết.

Về phía khách sạn, những đồ ăn nào còn đảm bảo chất lượng, dùng được trong ngày chúng tôi giữ lại để các em học sinh mang đi, còn những đồ ăn không dùng được nữa thì bỏ luôn, anh Tú cho biết thêm.

Bên cạnh việc tìm kiếm đồ ăn, các em còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển, đưa đồ ăn đến với người nhận. “Khó khăn nhất là giai đoạn vận chuyển, vì không có phương tiện đi lại, chủ yếu bằng xe buýt nên đôi khi còn sợ đồ ăn bị đổ, ảnh hưởng đến chất lượng”, em Phạm Ánh Ngọc học sinh lớp 11 trường chuyên ngữ, chia sẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, khi được tận tay đưa đồ ăn đến cho những bệnh nhân bao nhiêu khó khăn, vất vả dường như tan biến hết. “Nhìn những bệnh nhân đón nhận hộp đồ ăn kèm theo những nụ cười, những lời cảm ơn chân thành, em càng cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”, em Trần Hồng vui vẻ chia sẻ thêm.

Nhận đồ ăn từ các em học sinh mang đến, ông Quách Hồng Cẩm (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) không cầm được nước mắt. Ông cho biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình lên Hà Nội điều trị bệnh ung thư, nhiều hôm không có tiền mua cơm, nhưng nhờ những nhà hảo tâm, các em học sinh mà ông mới có thể kiên cường chống lại bệnh tật. “Chẳng biết nói gì hơn, tôi rất cảm động và cảm ơn vì những việc mà các em học sinh đã làm”, ông Cẩm nghẹn ngào chia sẻ.

Ý thức được giá trị những việc làm của mình, các em luôn cố gắng giúp đỡ thật nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập của bản thân. “Em hy vọng sẽ ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện hơn nữa và công việc của chúng em sẽ được nhiều người ủng hộ”, em Phương Linh, bày tỏ mong muốn.
Bài và ảnh: Lê Xuân
“Hũ gạo tình thương” của Đồn Biên phòng
“Hũ gạo tình thương” của Đồn Biên phòng

Với “định mức” 5 - 7kg gạo/cháu học sinh/tháng, được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sỹ ĐBP Thu Lũm, “Hũ gạo tình thương” đã hỗ trợ thêm phần ăn cho hàng chục cháu học sinh nghèo hiếu học của bản Là Si ở huyện Mường Tè.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN