Mặc dù điểm xảy ra cháy rừng cách thị trấn Sa Pa trên 30km, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, nhưng với quyết tâm chiến thắng "giặc lửa", sự chuẩn bị chu đáo theo phương án diễn tập bốn tại chỗ, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa đã dập tắt toàn bộ đám cháy chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ trong ngày đầu năm mới. Đây là môt "kỷ lục" mới trong lịch sử chữa cháy rừng Hoàng Liên nhiều năm lại đây.
Tỉ mỉ, chu đáo, thiết thực
Vào lúc 16 giờ ngày 2/2/2014 (tức mùng 3 Tết Giáp Ngọ), chuông điện thoại phòng thường trực Ban chỉ hủy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh Lào Cai bỗng rung lên báo tin có cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ngay lập tức thông tin được chuyển đến người chỉ huy cao nhất của tỉnh. Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh đã ngay lập tức lên Sa Pa chỉ đạo công tác PCCCR.
Đám cháy rừng Hoàng Liên đã được dập tắt thành công. Ảnh: TTXVN |
Ngay sau đó, tại huyện Sa Pa, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo cuộc hội ý chớp nhoáng bàn biện pháp chữa cháy rừng. Sau khi nghe các đơn vị địa phương báo cáo xác định địa điểm, vị trí khu vực xảy ra hỏa hoạn đi lại khó khăn, ban chỉ huy đã cân nhắc kỹ mọi khả năng, từ đó vạch ra phương án rất tỉ mỉ, chu đáo và thiết thực, từ khâu tổ chức trinh sát, lập đội xung kích thọc sâu tiếp cận điểm cháy đến việc lập đường băng cản lửa từ xa phòng cháy lan vào rừng nguyên sinh, vùng lõi đã được xác định.
Trên cơ sở thực tế hiện trường vụ cháy, ban chỉ huy đã huy động dân quân địa phương của 11 xã lân cận, số lượng khoảng 300 người kết hợp với các cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang như công an, quân đội để tham gia chữa cháy rừng. Với trên 500 dân quân và cán bộ chiến sỹ, tự vệ các cơ quan tham gia chữa cháy trên một địa bàn rộng, ngăn cách và hiểm trở. Việc làm đầu tiên của Ban chỉ đạo PCCCR là lập ngay trạm trực chỉ huy ngay dưới chân núi; đồng thời huy động các đơn vị thông tin như viễn thông vào cuộc để thiết lập đường dây nóng thường xuyên giữ mối liên lạc giữa hai mũi quân phía Tả Trung Hồ và Mã Quai Hồ phối hợp tạo đường băng cản lửa, tránh cháy lan.
Việc huy động quân số đông có liên quan đến công tác hậu cần cho những người trực tiếp tham gia PCCCR. Ngay lập tức, bộ phận hậu cần được thành lập do ông Trịnh Quang Trường, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện làm Phó Ban trực tiếp huy động nhân dân quyên góp bánh chưng, thực phẩm, nước đóng chai và tổ chức nấu nướng, đóng hộp vận chuyển về trạm chỉ huy phục vụ người chữa cháy.
Đứng từ chân núi nhìn lên điểm cháy theo đường chim bay chỉ là khoảng 1.000m nhưng để lên đến đó, phải mất khoảng hai giờ leo núi vượt khe. Vậy mà đội quân của Hầu A Sử, Trưởng thôn Dền Thàng, xã Tả Van vẫn một ngày bốn lần cả lên cả xuống đưa cơm, nước tiếp tế cho anh em dập lửa cứu rừng.
Cứu rừng an toàn
Điểm cháy rừng cách thị trấn Sa Pa trên 30km, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, sóng điện thoại không ổn định. Để đến được điểm cháy dập lửa phải qua những vách đá cheo leo. Ban chỉ đạo huy động quân chủ lực là lực lượng PCCC chuyên nghiệp phối hợp với kiểm lâm. Những lực lượng này một mặt tổ chức nắm bắt, tiếp cận địa bàn xảy ra cháy, mặt khác huy động đội dân quân cơ động với các phương tiện tại chỗ tập kết từ 3 giờ sáng tại những địa điểm quy định để hành quân sớm nhất vào vùng cháy tham gia dập lửa từ sáng sớm ngày 3/2. Theo ông Thào A Seng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Pa, lực lượng huy động chủ yếu là dân quân địa phương, những người có sức khỏe và thông thạo núi rừng. Đây là đặc điểm khác với những đợt cháy trước, lực lượng huy động chủ yếu là tự vệ của các cơ quan trong tỉnh và lực lượng vũ trang từ nơi khác đến không thông thạo địa hình nên việc tiếp cận đám cháy chậm và dập lửa rừng kém hiệu quả.
Sau gần 24 tiếng vật lộn với "giặc lửa", vào lúc 14 giờ 30 cùng ngày, thông tin từ mũi Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ báo về Trạm trực thông tin do Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông trực tiếp nắm giữ đã làm xong đường băng cản lửa hướng Đông Nam rộng trên 10m, dài trên 2.000m hoàn toàn có đủ khả năng ngăn đám cháy vượt quan lan vào rừng già vùng lõi. Cũng vào thời điểm này, mũi dập lửa phía Tây Bắc cũng báo tin vui đã khống chế được đám cháy ở độ cao 1.008m và có thể dập tắt hoàn toàn đám cháy trước khi tắt nắng.
Thông tin này được loan báo ngay đến Trạm chỉ huy dã chiến, khiến mọi người từ Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng đến đồng chí Bí thư huyện ủy Sa Pa, Hầu A Lềnh ai nấy đều phấn khởi. Vào lúc này đội quân hậu cần gùi trên 300 hộp cơm do anh Hầu A Sử dẫn đầu cũng vừa đến Trạm. Anh Sử cho biết: Vậy là bữa cơm hộp bình dân sẽ trở thành bữa cơm mừng chiến thắng "giặc lửa" tại chân núi. Không có rượu ăn mừng tại chỗ, nhưng anh em vẫn chạm bi-dông nước vào nhau để tượng trưng cho những cốc rượu đầy, mừng chiến thắng.
Riêng ông Doãn Văn Hưởng, người đã có nhiều năm tham gia chữa cháy rừng Hoàng Liên nghiệm ra rằng, phương án khẩn trương, hiệu quả, thiết thực là cùng người dân địa phương trực tiếp chữa rừng có sự chỉ huy sát sao và động viên kịp thời của lãnh đạo là tối ưu và hiệu quả nhất.
Ông Hầu A Lềnh, Bí thư huyện ủy Sa Pa cho biết: "Bước vào mùa khô năm nay, Sa Pa có tuyết rơi và sương muối kéo dài làm chết và đổ gãy nhiều cây cỏ. Đây là môi trường tiềm ẩn nguy cơ gây cháy mạnh nhất khi Sa Pa có độ ẩm không khí thấp, có nắng và gặp gió Ô Quý Hồ hanh khô. Do vậy chúng tôi xác định PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm và không thể lơ là trong chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở".
Lục Văn Toán