Tại điểm cầu chính, các chuyên gia về tim mạch, ngoại tiêu hóa, ung bướu, nội tiết, hô hấp… của Bệnh viện TW Huế đã tham gia thảo luận ca bệnh, phân tích các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng với ca bệnh tại tuyến dưới, từ đó đưa ra kết luận về chẩn đoán giải pháp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh.
Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, hỗ trợ hiệu quả cho các bệnh viện trong công tác đào tạo, mở rộng quy mô, đặc biệt là bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu. Thông qua Telehealth tất cả những hình ảnh chụp CT, siêu âm, Xquang đều được truyền trực tiếp giúp quá trình chẩn đoán dễ dàng và thuận tiện hơn, hạn chế việc di chuyển của bệnh nhân đến các bệnh viện.
Hệ thống Telehealth do Viettel chủ trì xây dựng đáp ứng đầy đủ các lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Ước tính, khi triển khai Telehealth trên toàn quốc sẽ tiết kiệm cho xã hội và ngành Y tế hàng chục nghìn tỷ đồng/năm.
Đồng hành cùng Bệnh viện TW Huế trong quá trình triển khai Telehealth, Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết: Thời gian tới, Viettel tiếp tục phát triển nền tảng Telehealth một cách toàn diện hơn nữa, bằng cách ứng dụng những công nghệ 4.0 mới, ví dụ như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong việc chẩn đoán hình ảnh giúp bác sỹ tuyến dưới cũng có thể nhờ AI hỗ trợ rút ngắn thời gian đọc bệnh án, chỉ ra những bệnh án thường gặp, hạn chế rủi ro; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu Big Data, giúp bác sỹ đưa ra quyết định dựa trên lịch sử hàng nghìn các bệnh án trước".
Dự kiến tháng 9/2020, Viettel sẽ hoàn thành kết nối Telehealth đến 1.000 điểm cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên toàn quốc.