Theo Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trong quý 1/2017, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 28.000 lượt cấp cứu, trong đó 14.455 lượt do chuyển từ tuyến dưới lên, chiếm 51%. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ, dịp Lễ, Tết, khoa Cấp cứu luôn quá tải và hoạt động gần như vượt quá 100% công suất.
Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị các bệnh viện giảm chuyển tuyến. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
|
Hiện nay công suất mổ cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy là 150 ca/ngày nhưng vẫn còn khoảng 30 ca không thể lên được phòng mổ vì quá tải. “Mặc dù là mổ cấp cứu nhưng có những trường hợp bệnh nhân phải nằm chờ đến 12 tiếng đồng hồ vẫn chưa được mổ, điều này là vô cùng nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân”, bác sỹ Thảo lo ngại.
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện huyện Củ Chi là đơn vị có số lượng chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều nhất. Lý giải nguyên nhân, bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho hay, các trường hợp nặng như chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim bắt buộc phải chuyển tuyến vì vượt quá khả năng của bệnh viện.
Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân thường trực tiếp yêu cầu được chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy mặc dù bệnh viện đã tư vấn chuyển tuyến lên bệnh viện khác.
Trước tình hình trên, Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã ban hành kế hoạch phân tuyến cấp cứu tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố.
Trong đó, Sở yêu cầu giảm áp lực cho bệnh viện Chợ Rẫy bằng cách hướng dẫn chuyển tuyến đến các bệnh viện tuyến cuối khác có chuyên khoa phù hợp như: Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện nhân dân 115, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2…
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu, các bệnh viện tuyến dưới không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, phối hợp, liên kết với nhau để cấp cứu kịp thời, trường hợp quá nặng mới chuyển lên tuyến trên.