PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh nguy cơ và các biện pháp phòng tránh dịch cúm gia cầm ở người.
Các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu tiến hành tiêu hủy gia cầm dương tính với virút cúm A(H5N6). Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN. |
Thưa ông, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm gia cầm (A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) chưa? Ông nhận định thế nào về nguy cơ bùng phát dịch bệnh này trên người tại Việt Nam?
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người. Tuy nhiên, nguy cơ các dịch cúm gia cầm xâm nhập, lây truyền sang người và gây bùng phát dịch ở nước ta rất cao, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
Thực tế, dịch cúm A(H7N9) ở Trung Quốc, cúm A(H5N1) ở Campuchia đã ghi nhận tại các tỉnh sát biên giới nước ta. Trong khi, tình trạng gia cầm nhập lậu chưa được kiểm soát triệt để nên virút cúm gia cầm hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam qua gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu rồi lây truyền sang người.
Đáng nói, tại Trung Quốc, đợt dịch cúm gia cầm A(H7N9) bắt đầu từ tháng 10/2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với hơn 425 trường hợp mắc xảy ra tại 14 tỉnh thành phố; trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây có chung đường biên giới với Việt Nam.
Tại nước ta, đến nay, chưa ghi nhận virút cúm A(H7N9) ở người nhưng thời gian qua, cũng đã ghi nhận sự lưu hành cúm A(H5N1), A(H5N6) trên đàn gia cầm và trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) trên người.
Giai đoạn 2003 - 2005, Việt Nam ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1) cao nhất thế giới, tỷ lệ tử vong đến 50% nhưng đã giảm dần; từ 20015 đến nay, không ghi nhận ca bệnh mới. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm virút cúm A(H5N1) sang người vẫn cao do thời điểm này, dịch cúm A(H5N1) đã xuất hiện trên nhiều đàn gia cầm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Nam Định, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Sóc Trăng…
Trong khi đó, thời tiết đang giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và dịch cúm gia cầm lây lan và bùng phát. Thế nhưng, nguồn lây bệnh cúm gia cầm vẫn chưa được xác định rõ ràng, dù phần lớn người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm.
Mặt khác, dịch cúm gia cầm lây truyền sang người cũng có thể bùng phát do đàn gia cầm nuôi bị lây truyền thông qua các đàn chim hoang dã, rất khó khăn trong việc kiểm soát nguồn lây….
Mức độ lây lan và sự nguy hiểm của virút cúm A(H7N9) có khác gì so với với cúm A(H5N1) không, thưa ông?
Khác với virút cúm A(H7N9), virút cúm A(H5N1) khi lây nhiễm trên đàn gia cầm thường gây hiện tượng gia cầm chết hàng loạt, nên dễ phát hiện các ổ dịch hơn. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát gần đây cho thấy, trên các đàn ngan, vịt có hiện tượng nhiễm virút cúm A(H5N1) nhưng cũng không có biểu hiện bệnh.
Bệnh do cúm A(H5N1)và A(H7N9) ở người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A(H7N9) tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A(H5N1) với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh và dễ tử vong với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tỷ lệ tử vong cao ở ca bệnh nhiễm cúm gia cầm (gồm cả cúm A(H5N1) và H7N9) đang mối quan ngại lớn đối với cộng đồng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm lây lan. Không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có các dịch bệnh này trên người.
Đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe cho người đến từ vùng có dịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN. |
Bộ Y tế có giải pháp gì để chủ động ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, nhất là việc xâm nhập cúm A(H7N9) vào Việt Nam, thưa ông?
Bộ Y tế đang ráo riết phối hợp với các bộ, ngành, đẩy mạnh các hoạt động chủ động ngăn ngừa các chủng virút cúm gia cầm xâm nhập và lây truyền sang người.
Bộ Y tế đã có các Công văn tới các tỉnh, tổ chức các Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong đó trọng tâm là chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6). Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9), làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các hoạt động theo 4 tình huống dịch bệnh.
Về công tác chuyên môn, Ngành chủ động củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia. Việt Nam đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virút cúm gia cầm, tiến hành giải trình tự gien để phát hiện sự biến chủng của virút.
Chúng tôi cũng chủ động triển khai tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, điểm giám sát trọng điểm quốc gia và tại các cơ sở y tế, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ để xác định tác nhân gây bệnh; Duy trì mạng lưới sẵn sàng thu dung, điều trị, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân giảm thiểu các biến chứng và tử vong.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh và huy động các nguồn lực trong phòng chống, đáp ứng với dịch cúm gia cầm.
Đặc biệt, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố đã tổ chức các đoàn công tác giám sát công tác sẵn sàng phòng chống dịch tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, cửa khẩu.
Xin cảm ơn ông !
Để phòng bệnh, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Đến bệnh viện ngay nếu có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm... |