Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3): Phòng chống lao - còn lắm gian nan

Bệnh lao “trẻ hóa”, cán bộ chống lao “già đi”

Việt Nam hiện đứng thứ 12/22 quốc gia có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới và xếp hạng thứ 14/27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu. Nguyên nhân chính là số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị hàng năm mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Hàng năm, Chương trình phòng chống lao quốc gia đã phát hiện và điều trị khỏi cho gần 100.000 bệnh nhân lao, tương đương với gần 60% số người mắc bệnh trong cộng đồng. Điều đáng lo lắng hơn cả là bệnh nhân lao đang có xu hướng ngày một trẻ hóa, tập trung ở nhóm thanh niên từ 15 - 24 tuổi.

Xu hướng trẻ hóa

“Bệnh lao ở Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa, một phần nguyên nhân do liên quan đến lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên (từ 15 - 25 tuổi)”, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, cho biết tại “Hội thảo về công tác phòng chống lao ở Việt Nam: Thành tựu, thách thức và giải pháp”, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế tổ chức ngày 22/3, tại Hà Nội.

Nguồn nhân lực cho công tác phòng chống lao đang trong tình trạng thiếu hụt.


Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, kết quả điều tra tình hình mắc bệnh lao năm 2006 - 2007 cho thấy: 75% bệnh nhân lao ở lứa tuổi lao động. Mỗi bệnh nhân giảm 30% thu nhập. Người nghèo mắc lao cao hơn 2,5 lần so với nhóm người có thu nhập cao hơn.

Sở dĩ bệnh lao “nhích” lên ở nhóm người trẻ là do sự chuyển dịch phân bố cơ cấu lao động, nhiều lao động trẻ đổ xô từ nông thôn ra thành thị tìm kiếm việc làm, đa phần là những công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên họ thường sống tập trung ở khu vực đông dân cư, nơi có điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Không có điều kiện chăm sóc sức khỏe nên những đối tượng này rất dễ mắc bệnh lao và làm lây lan ra cộng đồng (do không được phát hiện sớm, điều trị bệnh đúng phác đồ).

Điều đáng lo ngại hơn cả là công tác kiểm soát bệnh lao trong nhóm dân cư đặc biệt ở các trại giam, trại giáo dưỡng, trung tâm lao động và xã hội… còn rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, kinh phí, trang thiết bị. Trong khi đó, tỷ lệ mắc lao và nhiễm HIV của nhóm này cao gấp 5 - 10 lần so với cộng đồng. Đặc biệt, tỷ lệ lao đa kháng thuốc từ trong nhóm đối tượng này khoảng 5,4 - 17,7%. “Ở nơi nào mà nguồn lây bệnh lớn, mật độ dân số dày thì đương nhiên những bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có bệnh lao có khả năng lây nhiễm nhiều hơn", PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ lý giải.

Thiếu cán bộ

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực trong công tác phòng chống lao chính là nguyên nhân sâu xa của việc chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân lao được phát hiện.

Hiện nay, tuyển dụng bác sĩ (BS) về công tác tại tuyến y tế cơ sở đã khó, tuyển dụng BS về làm công tác chống lao còn khó gấp nhiều lần. Đã thế, nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống lao vốn đã thiếu và yếu trầm trọng, nay còn phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám”, bởi nhiều cán bộ có trình độ đã và đang chuyển công tác sang y tế tư nhân hoặc bổ sung cho các đơn vị y tế khác. Do đó, khoa Lao tại trung tâm phòng chống bệnh xã hội, các trung tâm y tế dự phòng, đang thiếu trầm trọng cán bộ làm chương trình chống lao. Đại đa số cán bộ chống lao tuyến huyện là kiêm nhiệm.

Đại diện Bệnh viện Lao & Bệnh phổi Đà Nẵng chia sẻ: “Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển thêm được 1 bác sỹ nào”.

- “Chúng tôi đang thiếu cán bộ làm công tác phòng chống lao ở cả 2 tuyến tỉnh và huyện. Nguyên nhân một phần do chính sách đãi ngộ thấp, khó thu hút cán bộ mới về”, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Tĩnh cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định: “Với trách nhiệm của mình, thời gian tới Bộ Y tế sẽ nỗ lực tăng cường đầu tư nguồn lực để từng bước đưa những kỹ thuật mới vào chẩn đoán, những thuốc chống lao mới để điều trị, và đưa vắcxin mới phòng bệnh lao vào áp dụng. Tuy nhiên, cũng cần phải có những văn bản pháp quy mạnh mẽ hơn nữa để công tác phòng chống lao thực sự là một vấn đề cần được quan tâm của các bộ, ngành, địa phương”.

TS Nguyễn Viết Nhung, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, khẳng định: “Nguy cơ phơi nhiễm cao, nhất là khi tiếp xúc với bệnh nhân lao đa kháng thuốc, thế nhưng chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên tham gia công tác chống lao còn hạn chế. Họ chỉ được hưởng phụ cấp độc hại bằng 40% lương cơ bản, trong khi làm công tác phòng, chống HIV là 70%; cán bộ gián tiếp tiếp xúc với nguồn lây được thêm 20% lương cơ bản, còn trực tiếp là 35% lương. Thế nhưng việc thực hiện triển khai theo quy định này còn gặp nhiều khó khăn do khó xác định thế nào là “trực tiếp” thế nào là “gián tiếp”.

“Hiện nay, mức chi cho cán bộ y tế (CBYT) tham gia công tác phòng, chống lao rất thấp: Khám phát hiện 1 nguồn lây là 20.000 đồng. Chi cho CBYT khám, phát hiện và đưa bệnh nhân đến huyện, ở miền núi là 30.000 đồng/xã/tháng, đồng bằng 20.000 đồng/xã/tháng. Chi cho CBYT theo dõi bệnh nhân trong 8 tháng điều trị ở miền núi 150.000 đồng, nơi khác là 100.000 đồng. Thế nhưng, nhiều địa phương cũng chưa thực hiện đúng mức quy định trên, chia sẻ nguồn lực cho các hoạt động khác, nên thu nhập của cán bộ làm công tác phòng chống lao ở nhiều nơi rất thấp”.

TS Nhung còn chỉ ra rằng, ngoài sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, công tác phòng chống lao đang phải đối mặt với những khó khăn về thực hiện chính sách, đó là tình trạng bán thuốc chống lao không theo đơn. Không kiểm soát được việc điều trị lao của cơ sở y tế tư nhân. Việc báo các ca bệnh theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm chưa được thực hiện nghiêm túc.

Tại các vùng sâu, vùng xa, chất lượng triển khai công tác phòng chống lao khó khăn do địa bàn rộng, dân trí thấp, giao thông khó khăn, thường là tỉnh nghèo không có hỗ trợ của địa phương. Kinh phí hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo không có, bệnh nhân khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chống lao. Cơ sở vật chất tuyến huyện rất thiếu thốn. Đặc biệt công tác phòng chống lao đa kháng thuốc cũng gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và quản lí điều trị, do đây là vấn đề mới với Chương trình chống lao tại Việt Nam…

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN