Nghĩa trang làng Khoai rộng khoảng 0,6 ha, thường xuyên ngập trong nước, cỏ mọc um tùm. Gần mười năm nay, khi các nhà máy, xí nghiệp của khu công nghiệp Như Quỳnh A mọc lên, nghĩa trang làng Khoai bỗng nhiên bị vây tứ bề, quanh năm nước tù đọng, vì đường thoát nước ra sông Bắc Hưng Hải trước đây của nghĩa trang đã bị 3 nhà máy xung quanh chặn đứng. Bức xúc hơn, các nhà máy này còn trực tiếp xả nước thải gây ô nhiễm. Nghĩa trang làng Khoai bỗng nhiên biến thành ao tù, chỉ cần một trận mưa nhỏ là nước dềnh lên quá nửa mét.
Ô nhiễm nguồn nước tác động mạnh tới môi trường sinh thái-Ảnh internet |
Theo kinh nghiệm dân gian: Với những khu nghĩa địa trũng và thường xuyên có nước thì việc chôn cất người chết chỉ sau vài năm là phân hủy "sạch sẽ" để cải táng. Nhưng với làng Khoai thì lâm vào cảnh ngược đời. Anh Phùng Văn Kiêu, người có thâm niên làm quản trang ở làng Khoai cho biết: Mấy năm nay, rất nhiều gia đình khóc dở mếu dở khi bốc mộ cho người thân.
Thật trớ trêu khi mở nắp huyệt ra thi thể người chết vẫn còn nguyên. Ban đầu một vài gia đình cứ ngỡ là mộ kết và cho rằng đó là điềm tốt, sẽ được hưởng phúc. Nhưng rồi liên tiếp sau đó, cứ 10 ngôi mộ thì có đến 8 ngôi ở trong tình trạng như vậy đã làm cho cả làng hoảng hốt lo lắng.
Một số người dân làng Khoai trực tiếp chứng kiến việc bốc mộ cho người nhà rầu rĩ: Trước kia, cũng nghĩa trang này rất khô ráo, người chết chỉ chôn sau 2 đến 3 năm là bốc mộ được. Vậy mà mấy năm nay, rất nhiều trường hợp dù đã chôn 5 - 7 năm nhưng khi bốc mộ, thi thể vẫn y nguyên như lúc mới chết. Như trường hợp người nhà ông chủ tịch thị trấn, người thân nhà anh Ngọc, ông Sang, ông Bính...
Gặp tình cảnh ấy, nhiều gia đình đành lấp lại chờ thêm thời gian. Song cũng nhiều gia đình hoang mang về tâm linh, kiêng kỵ việc đào lên, lấp lại nên đành phải "nhắm mắt, thắt lòng" róc những bộ phận chưa phân hủy để cải táng.
Trước cảnh tượng oái oăm trên, nhiều người làng Khoai đã không dám địa táng cho người thân khi chết, đành mang đi Hà Nội, Hải Phòng để hỏa táng dù tốn kém hàng chục triệu đồng. Còn những gia đình đã chôn cất tại nghĩa trang thì giờ đây cứ nơm nớp lo không biết đến bao giờ mới "sang cát" được cho người thân.
Người dân làng Khoai bức xúc cho rằng, thủ phạm trực tiếp là nguồn nước thải từ các nhà máy xung quanh đã xả trực tiếp vào nghĩa trang. Các hóa chất độc hại đã khiến người chết không phân hủy được. Xung quanh nghĩa trang làng Khoai hiện có 3 nhà máy bao vây gồm: Nhà máy kính Việt Hưng, Công ty may Nguyễn Hoàng và Công ty TNHH sản xuất phụ tùng xe máy Việt Nam (VAP).
Song song với con đường vào nghĩa trang là rãnh nước thải ngả màu đen kịt sủi ngầu bọt, có hai đường ống xả thải từ Công ty may Nguyễn Hoàng vẫn trực tiếp xả nước thải ra rãnh nước, bốc mùi xú uế. Tiếp đó là nước thải của Nhà máy kính Việt Hưng và Công ty VAP xả vào nghĩa trang. Dù trời không mưa nhưng nghĩa trang vẫn ngập ngụa nước đen và sánh như váng dầu, trời nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Ghê sợ nhất là khi trời mưa, nước ngập gần 1 m, nghĩa trang hơn cả ao tù. Nhiều người muốn vào nghĩa trang thắp hương cho người thân khi giỗ, Tết cũng không thể. Gia đình nào có người chết vào những ngày ấy thì khốn đốn không biết tìm chỗ nào để địa táng.
Dân làng Khoai cho biết, khi phát hiện Nhà máy kính Việt Hưng và các công ty bên cạnh xả nước thải vào nghĩa trang, lãnh đạo địa phương đã nhiều lần yêu cầu họ phải chấm dứt thải vào nghĩa trang nhưng vẫn bị các doanh nghiệp cố tình quên.
Địa phương buộc phải cho người bịt lỗ thải lại nhưng vừa làm xong công ty lại cho nhân viên đục ra. Gần đây, người dân và chính quyền phản đối kịch liệt, một vài cống xả vào nghĩa trang mới được bịt lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cống xả bằng thép của Công ty VAP bắc vào trong nghĩa trang.
Dân làng Khoai nghi ngờ rằng, các hóa chất độc hại ngấm vào lòng đất nghĩa trang nên xác người chết không phân hủy được. Trước bức xúc của bà con, chính quyền thị trấn Như Quỳnh đã đề nghị lên các cơ quan chức năng nhưng 7 năm qua chẳng có hồi âm.
Giải pháp khắc phục đã được đưa ra nhưng rơi vào bế tắc: Di dời nghĩa trang thì không thể vì đất canh tác đã nhường hết cho nhà máy, xí nghiệp; cách duy nhất là khai thông hoặc làm mới đường thoát nước nhưng lại vướng vào quy hoạch. Những ngôi mộ cứ lạnh lẽo chìm ngập trong nước bị ô nhiễm nặng.
Thiết nghĩ cấp có thẩm quyền ở Hưng Yên cần vào cuộc để có kết luận rõ ràng giải thích cho người dân và sớm có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy gây ra đối với người dân làng Khoai.
Mai Ngoan