Bất cập trong khai thác đá: Bài 2 - Cần chế tài mạnh, giải pháp đồng bộ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hoạt động khai thác đá ở Đồng Nai tồn tại nhiều bất cập; tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Tỉnh lộ 768 hàng ngày chìm trong bụi.

Từ năm 2011 - 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã tiến hành gần 120 cuộc thanh, kiểm tra đối với các mỏ đá trên địa bàn, xử phạt 53 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 2 mỏ đá.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu là 2 địa phương có trữ lượng đá nhiều nhất ở Đồng Nai, tại đây có 22 mỏ đang khai thác trên diện tích khoảng 900 ha, trữ lượng khai thác gần 400 triệu m3. Đá của Đồng Nai đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cung cấp khoảng 25% cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Năm 2016, sản lượng khai thác khoáng sản của Đồng Nai đạt 14 triệu m3 (đá, cát xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp), doanh thu gần 2.000 tỷ đồng.

Năm qua, khai thác khoáng sản đóng góp cho ngân sách Nhà nước 319 tỷ đồng, trong đó có 144 tỷ đồng thuế tài nguyên, số còn lại là phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Ngoài ra, doanh nghiệp đã ký và nộp vào quỹ phục hồi môi trường số tiền hơn 60 tỷ đồng.

Hiện mỗi năm Đồng Nai thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi đó mỗi mỏ khoáng sản chỉ đóng góp cho ngân sách khoảng 4,6 tỷ đồng/năm. Thực tế là lợi ích Nhà nước thu về từ việc khai thác khoáng sản ít, nhưng hệ lụy lại rất lớn, hàng năm tỉnh phải chi nhiều tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường; dân sống chung với ô nhiễm, tai nạn.

Theo ông Thường, bức xúc nhất trong việc khai thác đá ở Đồng Nai là xe vận chuyển quá tải, quá khổ, làm rơi vãi đá, gây ô nhiễm bụi dọc các tuyến đường vận chuyển, mất an toàn giao thông. Tỉnh đã xử lý nhưng vẫn chưa triệt để, nguyên nhân do xe vận chuyển không phải của doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác đá mà của doanh nghiệp khác; pháp luật về khoáng sản chưa có quy định xử lý xe vận chuyển đá gây ô nhiễm môi trường.

Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết: 5 tháng năm 2017, Thanh tra giao thông Đồng Nai xử lý 850 xe quá tải, quá khổ, xử phạt hơn 9 tỷ đồng, trong số này có nhiều trường hợp xe chở đá vi phạm tải trọng. Khu vực mỏ đá Tân Cang là điểm nóng của tình trạng xe chở quá tải nên hằng ngày Thanh tra giao thông Đồng Nai bố trí 3 tổ túc trực ở các vị trí trọng yếu. Thời gian tới, Thanh tra giao thông Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm tra tại đường 768, kiên quyết xử phạt phương tiện vi phạm.

Xe tải hoạt động rầm rộ trên tỉnh lộ 768.

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra tình hình khai thác đá tại 13 mỏ trên địa bàn. Tỉnh ghi nhận, một số mỏ đã phun sương, tưới đường, xây dựng hệ thống rửa xe để giảm bụi khi xe ra khỏi mỏ…

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, mang tính đối phó. Thời điểm kiểm tra, các mỏ đá hoạt động cầm chừng nhưng bụi vẫn rất nhiều; khu chế biến đá sơ sài, tạm bợ. Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác đá, tháng 3/2017, Tổng cục Địa chất Khoáng sản cũng thực hiện thanh tra chuyên đề hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng đá làm vật liệu xây dựng tại 17 mỏ đá ở Đồng Nai.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các mỏ đá phải giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường, đến quý II/2017, chủ mỏ phải hoàn thành bê tông hóa đường nội bộ, xây dựng hệ thống rửa xe trước khi rời mỏ. Đến cuối năm 2017, các mỏ phải lắp đặt xong hệ thống phun sương ở khu vực chế biến. Xe ra khỏi mỏ chở đúng tải, phủ kín. Những chủ mỏ không thực hiện đúng yêu cầu trên, Đồng Nai sẽ buộc ngưng hoạt động và rút giấy phép.

Để giảm tác động tiêu cực trong quá trình khai thác đá, Đồng Nai sẽ chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện phun sương khu vực nghiền đá, xúc đá và đường vận chuyển; trồng cây phủ xanh xung quanh khu vực mỏ để giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường. Tỉnh giao 1 doanh nghiệp thí điểm phun sương toàn diện, từ đó rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi tại tất cả các mỏ.

Tỉnh cũng buộc các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng trên địa bàn thực hiện cam kết bán sản phẩm theo đúng tải trọng cho phép của xe vận chuyển. Sau khi ký cam kết, doanh nghiệp nào vi phạm quá 3 lần sẽ tạm đình chỉ hoạt động, trường hợp nghiêm trọng sẽ buộc đóng cửa mỏ; đồng thời buộc doanh nghiệp bỏ kinh phí để sửa chữa các tuyến đường vận chuyển đá; triển khai xây dựng tuyến đường chuyên phục vụ khai thác đá tại xã Phước Tân - Tam Phước…

Cơ quan chức năng Đồng Nai sẽ đầu tư hệ thống thông tin và tiếp nhận dữ liệu tại những trạm cân thuộc các mỏ đá trên địa bàn tỉnh, truyền dữ liệu, hình ảnh ở các trạm này về Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát tải trọng.

Đối với những mỏ sau khai thác có địa hình âm so với mặt đất xung quanh, tỉnh sử dụng làm hồ chứa nước. Ngành chức năng sẽ kiểm tra, buộc doanh nghiệp xây dựng rào chắn đầy đủ, trồng thêm cây xanh. Hiện Chính phủ đã quy định nâng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường, chủ mỏ đá đã ký quỹ hơn 60 tỷ đồng, giúp nâng cao trách nhiệm của chủ mỏ trong việc hoàn nguyên môi trường sau khai thác.

Bất cập trong khai thác đá ở Đồng Nai đã tồn tại nhiều năm qua. Các ngành chức năng của tỉnh cần sớm thực hiện những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa các lợi ích.

Bài, ảnh: Công Phong (TTXVN)
Bất cập trong khai thác đá: Bài 1 - Ô nhiễm môi trường, hiểm họa rình rập
Bất cập trong khai thác đá: Bài 1 - Ô nhiễm môi trường, hiểm họa rình rập

Ở góc độ kinh tế, khai thác đá tại Đồng Nai là tất yếu, đáp ứng sự phát triển. Tuy nhiên do doanh nghiệp chỉ chú tâm vào khía cạnh lợi nhuận, xem nhẹ lợi ích cộng đồng; chế tài của Nhà nước chưa đủ mạnh nên việc khai thác đá ở Đồng Nai gây ra ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ thống giao thông…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN