Mùa mưa bão đã tới, trong khi cả nước vẫn còn hơn 1.000 hồ đập đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cho người dân vùng hạ du. Bên cạnh đó, thời tiết mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ có nhiều cơn bão bất thường do ảnh hưởng của hiện tường El Nino càng khiến người dân sống gần khu vực có hồ đập hư hỏng bất an.
Hiểm họa khôn lường
Các hồ chứa nước có tác dụng rất lớn trong mùa lũ như: cắt lũ, chặn lũ... ; mùa kiệt cấp nước tưới cho lúa, hoa màu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, giao thông thủy, giữ gìn môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các hồ chứa nước cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các sự cố, hiểm họa mỗi khi mùa mưa lũ đến, nhất là các hồ chứa nước được xây dựng cách đây 30 - 50 năm trong điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật thi công, năng lực thiết kế, điều kiện tài liệu phục vụ tính toán còn nhiều hạn chế.
Các hồ, đập bị vỡ sẽ tạo ra những trận lũ kinh hoàng. Trong ảnh: Hậu quả trận lũ tại Điện Biên ngày 20/7/2014 do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ảnh: Chu Quốc Hùng -TTXVN |
Thực tế, đập dù lớn hay nhỏ khi bị vỡ đều gây ra tổn thất nặng nề cho bản thân công trình và cho vùng hạ du. Các đập có hạ du là khu dân cư, khu kinh tế, văn hóa thì thiệt hại do vỡ đập gây ra sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với thiệt hại của bản thân công trình, phải mất nhiều năm sau mới có thể khắc phục được.
Tháng 10/2013, hai hồ đập lớn nhất huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là Đồng Đáng (xã Trường Lâm) và Khe Luồng (xã Tân Trường) có sức chứa hơn 600.000 m3 nước đã bị vỡ. Nước từ các hồ này kết hợp với nước ở hồ Kim Giao xả ra khiến hàng trăm hộ dân vùng hạ du ở các xã: Hải Thượng, Tân Trường, Trúc Lâm, Xuân Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa)... không kịp sơ tán và bị chia cắt. Nhiều hộ dân bị nước ngập tới nóc nhà. Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Tĩnh Gia bị nước nhấn chìm hơn 4 km, giao thông qua khu vực này bị ùn ứ trong nhiều giờ.
Tương tự, tháng 6/2013, đập thủy điện Ia Krêl 2 (làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) được xây dựng năm 2010 vừa hoàn thành và mới ở giai đoạn tích nước thì đã bị vỡ. Đặc biệt, khi đập bị vỡ, lượng nước trong lòng hồ mới đạt khoảng 60% theo dung tích thiết kế.
Theo UBND Huyện Đức Cơ, may mắn sự cố xảy ra vào rạng sáng, lúc người dân đã thức dậy, nếu đập vỡ vào nửa đêm thì hậu quả về người sẽ không lường hết được.
Từ những ví dụ trên cho thấy, việc tính toán xây dựng các hồ đập là rất quan trọng. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả và giảm thiểu những tác hại do mưa lũ gây ra, thì việc đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn cho hồ chứa đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống cơn bão “Thần Sấm” đang tiến vào Việt Nam, một lần nữa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở các địa phương: “Phải kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão; các hồ vận hành xả nước theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế để bảo đảm an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du.
10 năm mới nâng cấp được 500 hồ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa được thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu nâng cấp 1.800 hồ nhưng đến nay mới sửa chữa trên 500 hồ. Nguyên nhân chính là kinh phí sửa chữa còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực quản lý vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều hồ đập nhanh xuống cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam cho biết: “Hiện có khoảng 420 hồ chứa có dung tích trên 0,2 triệu m3 bị xuống cấp (trong đó 64 hồ ở mức độ nghiêm trọng). Hầu hết các hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 0,2 triệu m3 đều bị xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng”.
Theo ông Lâm, hầu hết các hồ này do cấp xã hoặc hợp tác xã quản lý, hoặc giao cho một vài cá nhân trông coi nhưng thực tế các hồ không được kiểm soát. Trong mùa mưa lũ các năm 2012 và 2013, một số đập đã bị vỡ hoặc nước tràn qua đỉnh đập ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang.
Theo Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Trong đó, có đến 1.150 hồ đập đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, 334 hồ chứa bị hư hỏng nặng cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu gây mất an toàn ở các đập đất vừa và nhỏ là do lũ vượt thiết kế, có sai sót trong tính toán thủy văn, điều kiện tự nhiên thay đổi so với thời điểm thiết kế, rừng bị chặt phá, biến đổi khí hậu”.
Theo nhận định từ Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), phần lớn các hồ đập đều được xây dựng từ lâu, thời gian sử dụng 30 - 40 năm chưa được sửa chữa. Trong khi đó, những hồ dung tích nhỏ phần lớn được xây dựng từ nguồn lực huy động trong nhân dân và địa phương nên việc khảo sát, thiết kế còn hạn chế, thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp thủ công. Do vậy, vấn đề an toàn hồ đập hiện rất bất cập.
Nghệ An là một ví dụ, tỉnh có số lượng hồ chứa lớn nhất cả nước, với 625 hồ nhưng phần lớn đã qua sử dụng 30 - 40 năm, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm. Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: “Nguy cơ gây mất an toàn hồ đập đang hiện hữu, trong khi đó vốn đầu tư sửa chữa lại ít”.
Giải pháp phi công trình
Nhiều tỉnh, thành phố cho biết, muốn bảo đảm an toàn cho các hồ đập cần một lượng kinh phí không nhỏ mà hầu hết các địa phương không đủ nguồn lực để đầu tư.
“Để giải quyết vấn đề mất an toàn hồ đập cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Riêng giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh Nghệ An cần tới 487 tỷ đồng tu sửa cho 420 hồ yếu, còn nếu tu sửa tất cả các hồ thì kinh phí lên tới khoảng 1.100 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng: “Ngoài các giải pháp công trình cũng cần phải có những giải pháp phi công trình như: Nâng cao năng lực của người quản lý, tổ chức hệ thống bộ máy để vận hành hồ đập. Ngoài ra, việc nâng cao an toàn hồ đập phải được thực hiện xuyên suốt quá trình từ quy hoạch, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, tổ chức thi công xây dựng, quản lý vận hành”.
Để bảo đảm an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa bão năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập; trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc quản lý, điều hành nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ nghiêm khắc xử lý các địa phương để xảy ra sai sót trong quản lý và sử dụng không đúng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa nước thủy lợi; phối hợp với Bộ Tài chính thu hồi toàn bộ về ngân sách Trung ương mà các địa phương đã bố trí sai quy định.
Bà Keiko Sato, Giám đốc phụ trách hoạt động và chương trình đầu tư, Ngân hàng Thế giới: Rủi ro từ thiên tai ngày càng nhiều Việt Nam có số lượng hồ đập rất lớn, nhưng trong đó có nhiều hồ không được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng các hồ này chưa hợp lý. Do đó, an toàn hồ đập ở Việt Nam đang là vấn đề rất bức thiết. Ngoài ra, thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn tới sự an toàn của hồ đập và đời sống người dân. Rủi ro từ thiên tai cho con người ngày nhiều hơn. Việt Nam cần thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm an toàn hồ đập từ góc độ thể chế tới các biện pháp kỹ thuật; đặc biệt là công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý và vận hành các hồ đập.
Ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam: Nhiều lỗ hổng trong tiêu chuẩn đầu tư, thiết kế Hiện còn nhiều lỗ hổng về tiêu chuẩn pháp lý đối với chủ đầu tư, người thiết kế hồ đập. Ai cũng có thể thiết kế, xây dựng đập cho dù đây là loại công trình đòi hỏi chuyên môn cao. Do vậy, tình trạng đập hư hỏng nhanh, mất an toàn đã xảy ra. Ngoài ra, các hồ đập mất an toàn còn do mỗi địa phương quản lý một kiểu. Do đó, cần có quy định pháp lý rõ ràng để quản lý và điều hành các hồ đập.
TS Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Thiếu trạm đo mưa tại thượng lưu các hồ chứa Tại hầu hết các lưu vực sông, số lượng trạm đo mưa rất thưa, đặc biệt là vùng thượng lưu sông, thượng lưu các hồ chứa. Phần lớn các hồ đều không có trạm đo lưu lượng khống chế nước về hồ, ra khỏi hồ. Bên cạnh đó, sự trao đổi thông tin với các đơn vị hồ chứa chưa chặt chẽ, hoặc chậm và không đầy đủ. Do vậy, cần bổ sung các trạm đo mưa, bảo đảm giám sát toàn bộ lượng mưa rơi, đặc biệt là vùng thượng lưu các hệ thống sông và thượng lưu các hồ chứa; nâng cấp các trạm đo thủy văn nhằm khống chế được lượng nước từ thượng nguồn về hồ và phục vụ công tác dự báo lũ hạ du. Các đơn vị chủ quản các công trình thủy điện cần cung cấp kịp thời, cụ thể thông tin về hồ chứa cho các đơn vị dự báo. |
Hữu Vinh