Báo động trẻ ngộ độc chì do thuốc cam

Chưa năm nào, số trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam lại tăng vọt như năm nay. Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám vì ngộ độc chì, trong đó 93% là trẻ nhỏ.

Việc điều trị trẻ bị ngộ độc chì thường mất nhiều thời gian, dễ để lại biến chứng về thể chất và trí não, khó có thể phục hồi.


Mới được 5 tháng tuổi như bé T.B.Y, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, đã bị ngộ độc chì rất nặng. Trước đó, thấy bé bị đi ngoài, tưa lưỡi, gia đình đã đến bà lang gần nhà mua gói thuốc cam với giá 30.000 đồng để cho uống và bôi lưỡi. Được 2 tháng thì bé Y đột nhiên lên cơn co giật, nôn nhiều, người cứ lịm dần, gia đình vội đưa bé vào BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng chì trong máu bé là 124,8mcg/dL, vượt ngưỡng cho phép hơn 6 lần. Ngay lập tức bé được chuyển sang Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai điều trị thải độc.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trẻ đang điều trị tại Trung tâm Chống độc. Các bệnh nhân đến từ 27 huyện thuộc 15 tỉnh, hầu hết dùng thuốc không rõ nguồn gốc của ông lang bà mế hoặc của những người bán thuốc dạo.

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, chưa bao giờ trung tâm phải điều trị cùng lúc cho nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì đến như vậy. Dù đã dành riêng một phòng điều trị nhưng có những đợt vẫn phải nằm ghép 2 - 3 trẻ một giường.

“Điều đáng nói, chì là một chất độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính như trên. Chì khó thải loại, vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ... khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong. Trong khi đó, việc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục”, tiến sĩ Duệ cho biết.

Viện Hóa học đã kiểm tra 500 mẫu sản phẩm thuốc cam và bệnh phẩm (trong đó 200 mẫu cả sản phẩm và mẫu máu do BV Bạch Mai gửi, còn lại là do người dân tự đến gửi mẫu), kết quả 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao, đặc biệt có mẫu tới 85% chì.

Bộ Y tế họp bàn tìm giải pháp

Trước tình trạng đáng báo động này, chiều 18/4, Bộ Y tế đã có cuộc họp “khẩn” về các biện pháp quản lý chì trong sản phẩm thuốc cam.

Theo Bộ Y tế, khó có khả năng lượng chì cao trong thuốc cam là từ dược liệu. Có thể do người hành nghề không hiểu biết đã sử dụng ôxít chì trong sản xuất thuốc nên hàm lượng chì mới cao.

Thực tế, Việt Nam chưa có quy định về giới hạn chì trong dược liệu, thuốc từ dược liệu (mới chỉ có giới hạn chì trong thực phẩm chức năng và mỹ phẩm). Vì thế, dù các sở y tế và hệ thống cơ quan kiểm tra chất lượng tiếp tục lấy mẫu nhưng không kết luận được về giới hạn chì. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), điều này khiến dư luận hoang mang, mất lòng tin vào thuốc đông y nói chung và thuốc cam nói riêng.

Trong khi đó, BV Bạch Mai cho rằng nguy cơ nhiễm độc chì cho trẻ em từ thuốc đông y là rất cao, do đó đề nghị Bộ Y tế điều tra trên diện rộng việc này. Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng nhận định sự gia tăng các trường hợp nhiễm độc chì do dùng thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trước thực tế đó, phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang yêu cầu BV Bạch Mai hoàn chỉnh phác đồ điều trị chuẩn xử lý ngộ độc chì cấp tính, trình Bộ Y tế ban hành chính thức để tập huấn cho các tỉnh. Đồng thời, dự trù cơ số thuốc phòng chống ngộ độc chì gửi Bộ Y tế và tham gia kế hoạch tập huấn cho các sở y tế trọng điểm (Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên...).

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ đạo sở y tế các tỉnh tổng hợp báo cáo tất cả các trường hợp ngộ độc chì từ năm 2009 đến nay. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các địa phương phác đồ xử lý ngộ độc chì, xác định nhu cầu thuốc chữa trị ngộ độc chì để lên kế hoạch nhập khẩu.

Với Cục Quản lý dược, Thứ trưởng Quang yêu cầu Cục ra thông báo chính thức của Bộ Y tế: Cấm lưu hành các loại thuốc cam không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc, chỉ đạo các sở y tế thanh, kiểm tra và thu hồi các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc. Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) có nhiệm vụ chuẩn bị công văn trình Bộ Y tế yêu cầu tất cả các sở y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, cấm tuyệt đối việc sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị phân tích nguyên nhân ngộ độc từ các báo cáo của các đơn vị, đề xuất các biện pháp tăng cường việc phòng chống ngộ độc chì, đặc biệt là đối với trẻ em. Viện Kiểm nghiệm thuốc TW cần tăng cường việc lấy mẫu kiểm tra các loại thuốc cam trên thị trường.

Bài và ảnh: Châu Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN