Báo động tình trạng sạt lở ven sông Lô

Trong vòng hai năm trở lại đây, hàng ngàn mét vuông đất sản xuất của người dân ven sông Lô, đoạn qua thôn Trường Thi B, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, bị cuốn trôi do sạt lở.

Chú thích ảnh
Chiều dài đoạn sạt lở kéo dài khoảng 300 m dọc theo bờ sông Lô tại thôn Trường Thi B, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đe doạ tuyến đê đang trở nên báo động.

Nghiêm trọng hơn, có những vị trí sạt lở đã tiến sát chân đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chân đê và tuyến đường giao thông đi qua thôn. Dù tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý kịp thời, khiến người dân nơi đây rất lo lắng.

Ghi nhận của phóng viên tại điểm sạt lở thuộc thôn Trường Thi B, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, chiều dài đoạn sạt lở khoảng 300m dọc theo bờ sông, trong đó điểm sạt lở nghiêm trọng nhất sâu gần 20m, kéo dài khoảng 80 m. Nghiêm trọng hơn, vị trí sạt lở chỉ cách mép chân đê khoảng 6m, đây cũng là tuyến giao thông quan trọng của xã.

Theo người dân trong thôn, tình trạng sạt lở đất sản xuất diễn ra từ năm 2017 đến nay. Toàn thôn có 13 hộ bị mất đất sản xuất do sạt lở với diện tích ước tính khoảng 7.000 m2. Sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, người dân trong thôn đã kiến nghị UBND xã An Khang và cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục, hỗ trợ hộ dân bị mất đất sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sạt lở vẫn diễn ra, cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp khắc phục khiến người dân rất lo lắng.

Ông Bùi Quang Thuân, Trưởng thôn Trường Thi B, xã An Khang, cho biết nguyên nhân của việc sạt lở là do giữa dòng sông có một bãi bồi lớn, làm thay đổi dòng chảy, chuyển hướng thúc vào bờ. Nhiều tàu bè có trọng tải lớn đi lại đã tạo các đợt sóng vỗ vào bờ cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở. Thôn đã có nhiều ý kiến tại các cuộc họp, mong muốn cơ quan chức năng cho nạo vét khu vực bãi bồi, tạo dòng chảy mới để giảm sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Khang, thành phố Tuyên Quang cho biết, trước tình hình sạt lở diễn ra phức tạp, để bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại cho người dân, UBND xã đã cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, giúp người dân chủ động phòng tránh. UBND xã cũng đã có văn bản đề nghị UBND thành phố và cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân cụ thể để sớm có biện pháp xử lý, chấm dứt tình trạng sạt lở, gây mất đất sản xuất của người dân.

Theo ông Nguyễn Trường Lâm, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở một phần do việc vận chuyển, khai thác cát sỏi tại khu vực này. Bên cạnh đó, tần suất, mực nước không đều, thềm đất yếu đã gây ra sạt lở. Đơn vị cũng đã nhiều lần phối hợp với UBND thành phố, UBND xã họp bàn với nhân dân để phân tích, đánh giá nguyên nhân sạt lở. Để hạn chế tình trạng sạt lở, trước mắt Tuyên Quang cần khơi thông luồng chảy, tránh tàu thuyền di chuyển gần khu vực sạt lở, tuy nhiên về lâu dài để bảo vệ hệ thống đê tại khu vực này cần phải xây dựng kè.

Để đảm bảo an toàn đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây, cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần sớm vào cuộc, điều tra, xác định rõ nguyên nhân và có phương án khắc phục kịp thời. Bởi lẽ, mùa mưa bão đang đến gần và nguy cơ đất sản xuất tiếp tục bị sạt lở là khó tránh khỏi.

Được biết, địa điểm sạt lở nằm gần khu vực mỏ của Công ty Cổ phần Lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang, được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác từ năm 2015.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)
Bố trí chỗ ở cho 47 hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm ở Gò Công Đông
Bố trí chỗ ở cho 47 hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm ở Gò Công Đông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ông Phạm Anh Tuấn cho biết địa phương đầu tư 14,5 tỷ đồng để di dời, bố trí chỗ ở ổn định cho 47 hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm tại xã ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN