Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em-Bài 2: Có thể phòng ngừa sớm

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị rối nhiễu tâm trí nhưng điểm mấu chốt là sự chủ quan, xem nhẹ hoặc thiếu những kiến thức cơ bản để đương đầu với trẻ khi trẻ “gặp vấn đề”. Nếu gia đình, những người gần gũi nhất với trẻ có hiểu biết đầy đủ thì sẽ phòng ngừa được chứng bệnh này.

Quan tâm chưa đúng cách

Hiện tượng rối nhiễu tâm trí của trẻ xảy ra ngày càng nhiều không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở những vùng nông thôn. Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), rối nhiễu tâm trí ở trẻ em xuất hiện rất sớm và biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Ở độ tuổi đi nhà trẻ và mẫu giáo, có ba dạng rối nhiễu phổ biến là: Rối nhiễu bám mẹ, tự kỷ và rối nhiễu hành vi. Sang lứa tuổi học đường, bên cạnh rối nhiễu hành vi còn xuất hiện rối nhiễu tình cảm lo âu. Sang lứa tuổi trung học cơ sở, lại có thêm lạm dụng chất gây nghiện. Bước vào tuổi trung học phổ thông, có đầy đủ các dạng rối nhiễu hay gặp ở người trưởng thành.

Phụ huynh quan tâm con quá, không đúng cách cũng là nguyên nhân làm trẻ bị rối nhiễu tâm trí. Vì thế, để phòng ngừa cũng như can thiệp sớm cho trẻ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng cần được tư vấn để thay đổi cách chăm sóc và quan tâm con.


Cũng theo BS An, có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này: Cha mẹ thiếu quan tâm, hoặc quan tâm chưa đúng cách, thiếu tâm tình với trẻ; trẻ lớn lên trong một môi trường không tích cực; không phải trường hợp nào cũng tìm được nguyên nhân dễ dàng…

L.A là cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn học lớp 10 của một trường có tiếng ở Hà Nội. Mẹ em rất quan tâm nhưng chỉ suốt ngày hỏi con muốn ăn gì mẹ đưa đi nhà hàng, thích gì để mẹ mua. Vì thương con, sợ ảnh hưởng việc học nên mẹ của L.A không để con phải động tay động chân vào việc nhà. Lẽ ra ở lứa tuổi này, điều mà một cô gái cần ở mẹ mình là sự chia sẻ, tâm tình của người mẹ về nhiều vấn đề của cuộc sống thì L.A không có được. Em bị mắc chứng trầm cảm.

Trong khi đó, cậu học sinh tên H. (16 tuổi) được bố mẹ giám sát quá chặt, bất kể ngày hay đêm, luôn miệng hỏi con đi đâu, làm gì, với ai. Bố mẹ H. làm thế vì sợ con bị lôi kéo vào các tệ nạn. Cậu đã bị tress nặng. Nói với các bác sĩ, cậu ấm ức: “Không thể chịu đựng nổi. Cháu như một con chim bị nhốt trong lồng”.

Còn em gái tên N. học lớp 10 lại được mẹ đối xử với con như người lớn, hoàn toàn cho con tự quyết mọi việc. Cô bé lại coi cách đối xử của mẹ là bỏ rơi mình, nên đã liên tục bỏ nhà đi phượt nhiều ngày liền. Em kể khi đi phượt như thế tìm thấy sự đồng cảm. Trường hợp của N. đã bị rối nhiễu hành vi.
Nhìn chung, rối nhiễu tâm trí là hậu quả tác động từ gia đình, nhà trường và cộng đồng nơi trẻ sống. Tuy nhiên, rối nhiễu tâm trí ở trẻ và ở bà mẹ thời kỳ mang thai chưa được nghiên cứu nhiều và tuyệt đại đa số các nghiên cứu có được hiện nay chỉ mới thực hiện ở các nước phát triển. “Đối với Việt Nam, căn nguyên của rối nhiễu tâm trí còn nhiều điểm chưa sáng tỏ”, ông An cho biết. Bởi, cũng như ông An, nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần đều khẳng định một thiếu sót trong việc chăm sóc trẻ lâu nay của các bậc làm cha làm mẹ là chỉ chú trọng vào chăm sóc thể chất mà xem nhẹ về sức khỏe tâm thần.

Cũng đồng tình với nhận định đó, một đại diện đến từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá: “Ở Việt Nam, đây đó đã có nhiều chương trình quốc gia nhưng riêng vấn đề sức khỏe tâm thần cho bà mẹ, trẻ em chưa được coi trọng. Sự quan tâm chỉ mới dừng ở sức khỏe thể chất cho trẻ”. Thế nên, thực tế là “Hầu hết các bé bị rối nhiễu trông bề ngoài thì hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, bụ bẫm, tăng cân…”- chị Nguyễn Như Nguyệt, nhân viên Trung tâm nghiên cứu và đào tạo- phát triển cộng đồng (RTCCD) - người có nhiều năm kinh nghiệm trị liệu trẻ cho bị rối nhiễu tâm trí chia sẻ.
Một chuyên gia của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam phát biểu: “Sự thiếu sót này là bởi gia đình thiếu thông tin về cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân viên y tế cũng thiếu hiểu biết trầm trọng. Bây giờ mới quan tâm đến vấn đề này đã là hơi muộn”.

Chú ý từ những năm tháng đầu đời

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần bà mẹ và trẻ em cho rằng những rối nhiễu về tâm trí ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Một trong những giải pháp đầu tiên là chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai để đảm bảo cho ra đời những đứa trẻ có sự phát triển não hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo bà Meena Cabral de Mello (Bộ phận Sức khỏe và Sự phát triển của trẻ nhỏ và vị thành niên - Tổ chức Y tế thế giới), những yếu tố bất lợi tác động trực tiếp đến sự phát triển não bộ của trẻ chính là người mẹ bị trầm cảm, môi trường bạo lực, trẻ sống trong các cơ sở nuôi dưỡng.

Việc giao lưu tâm tình với trẻ là điều rất cần thiết vì ảnh hưởng tới sự phát triển trí khôn của trẻ. Theo bác sĩ Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương), chơi với con để con phát triển tối đa trí khôn, nhưng “cũng phải biết cách, phải học”. Các bác sĩ lưu ý: Chọn đồ chơi cho con ngoài yếu tố an toàn, cần đa dạng hình thái - màu sắc - chất liệu - chức năng…; dành “quỹ thời gian cho con” thực sự để cùng trẻ xem tranh, kể chuyện và chơi các trò chơi tương tác…

Vì thế, cải thiện kỹ năng làm cha mẹ cho mọi ông bố, bà mẹ cũng là việc có tầm quan trọng lớn. Theo bà Meena Cabral de Mello, “đặc biệt là những trường hợp mà trẻ có cha hoặc mẹ bị trầm cảm”.

Đồng thời, chuyên gia đến từ tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng để giảm các nguy cơ trong môi trường gia đình, một yếu tố quan trọng khác là không thể nào bỏ qua việc quan tâm đến học vấn của mẹ và trả lại cho người mẹ quyền một người phụ nữ trong gia đình một cách đầy đủ.

BS Nguyễn Trọng An khẳng đinh, việc phòng chống rối nhiễu tâm trí ở trẻ em được bắt đầu bằng một mục tiêu rất cụ thể. Đó là làm cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến rối nhiễu tâm trí ở trẻ em, tầm ảnh hưởng của rối nhiễu tâm trí đến việc học và phát triển của trẻ.

Với mục tiêu đó, theo ông An, đã đến lúc những chính sách phải thay đổi cho phù hợp với những hiểu biết hiện tại về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, chăm sóc sức khỏe tâm trí cho trẻ em và học sinh nói riêng.

Bài và ảnh: mạnh minh

Bài 3: Cần chương trình quốc gia phòng chống rối nhiễu tâm trí cho trẻ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN