Ngân sách Nhà nước đã bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng, trong đó, trên 1,8 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp hằng tháng, trên 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng và 3,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 12,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế. Tính đến thời điểm hiện tại, 95% người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Phấn đấu 100% người cao tuổi có bảo hiểm y tế
Trong hội nghị gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 5% (trên 500.000 người cao tuổi) thuộc diện nghèo vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế trong năm 2021.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng cho thấy, chính sách an sinh xã hội không chỉ là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Có thể nói, các hoạt động truyền thông liên quan đến người cao tuổi đã có những đổi mới tích cực cả về nội dung, phương pháp, đối tượng, thời điểm, tạo hiệu quả thực chất trong nâng cao nhận thức, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong công tác người cao tuổi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế để người cao tuổi có thể tham gia vào một số công việc cụ thể phù hợp với người cao tuổi như tham gia quản lý trật tự xã hội trên địa bàn dân cư, gìn giữ vệ sinh môi trường… Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của người cao tuổi trong khuyến học, khuyến tài.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao các cấp hội địa phương trong việc tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa. Công tác phát huy người cao tuổi tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực từ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đến phong trào khuyến học, khuyến tài, phổ biến tri thức, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong năm 2021, quyết tâm triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 5% số người cao tuổi thuộc diện nghèo chưa có bảo hiểm y tế (trên 500.000 người). Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ người cao tuổi có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua bảo hiểm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu, triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 13 triệu người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên. Đề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Trần Đình Liệu cho biết, trước mắt, Luật Bảo hiểm xã hội chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách cho người tham gia bảo hiểm xã hội theo từng nhóm.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nếu có đề án, mục tiêu thực hiện theo lộ trình, Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch về chính sách bảo hiểm cho người dân, đặc biệt người cao tuổi. Mục tiêu đến năm 2021, quyết tâm thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế hết số 5% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo còn lại.
Nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi là nhiệm vụ quan trọng. Nhiều chính sách thiết thực được ban hành; các chương trình và đề xuất hệ thống giải pháp bảo đảm an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người cao tuổi cũng đang được triển khai rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực.
Tính đến nay, mạng lưới khám, chữa bệnh cho người cao tuổi hiện được thực hiện lồng ghép trong hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương. Từ đầu năm 2017, hơn 70 bệnh viện các tuyến đã thành lập khoa lão, khoa lão ghép hoặc đơn nguyên khoa lão. Tuy nhiên, các đơn vị hoạt động theo đúng nghĩa dành cho người cao tuổi còn hạn chế.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, ở nước ta những năm gần đây đã hình thành một số mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số. Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, một trong những hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người cao tuổi được đánh giá cao, đó là việc triển khai mô hình Câu Lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động thực hiện từ năm 2005.
Đây là một tổ chức dựa vào cộng đồng, tập hợp từ khoảng 50 - 70 người cao tuổi, có mục tiêu liên kết các thành viên nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư trong việc hỗ trợ người cao tuổi khó khăn, giúp họ cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, tăng cường thu nhập, bảo đảm sức khỏe và phát triển cộng đồng. Đến nay, cả nước có khoảng 500 câu lạc bộ đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc trợ giúp và phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết các dự án, mô hình Câu Lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được nhiều nước trên thế giới triển khai từ nhiều năm qua, song việc triển khai ở nước ta còn khá mới mẻ và tương đối muộn. Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, tổ chức hữu quan cộng với sự nỗ lực của các địa phương, cơ sở, đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Câu lạc bộ không chỉ là mô hình người cao tuổi giúp nhau trong phát triển kinh tế mà còn là một cách thức giúp người cao tuổi nâng cao đời sống tinh thần, đoàn kết, sống vui, sống khỏe, trở thành tấm gương, động lực cho con cháu noi theo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, Việt Nam cần sớm củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới.
Để chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần, phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành Quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già...
Thực tế cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tăng lên là một chỉ báo thể hiện sự phát triển của xã hội về mặt y tế, văn hóa, xã hội, tuy nhiên, đó cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế, an sinh xã hội. Việc ban hành các chính sách xã hội dành cho người cao tuổi là rất cần thiết nhằm bảo đảm các điều kiện sống cho người cao tuổi, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.