Ban hành văn bản sai phải bồi thường thiệt hại

Theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) do Bộ Tư pháp soạn thảo, cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu bồi thường nếu văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại cho người dân. Đây được coi là bước tiến đột phá về pháp lý nhằm hạn chế "căn bệnh” ra văn bản "trên trời” đang ngày càng có xu hướng gia tăng.


Bị đời sống - xã hội “chối bỏ”


Năm 2012, Bộ Công an đã ban hành thông tư số 27/2012/TT-BCA về mẫu chứng minh nhân dân (CMND), trong đó có quy định bắt buộc phải ghi họ tên cha mẹ ở mặt sau. Nội dung này ngay lập tức đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này vi phạm đời tư, bởi nhiều trường hợp không xác định được bố mẹ, chỉ có mẹ hoặc chỉ có bố; có cả bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi; bố mẹ là tội phạm hoặc bố mẹ là người giữ các chức vụ cao... nên Thông tư này của Bộ Công an đã bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi” vì có những nội dung trái với quy định trong Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an sửa đổi Thông tư 27 và Nghị định 170/2007 theo hướng bỏ việc ghi họ tên cha mẹ trên CMND. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người dân ở Hà Nội đã phải mang CMND theo mẫu mới bởi họ được cấp trước khi quy định này bị hủy bỏ.

 

Nhiều người dân không muốn ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân.


Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 10 năm triển khai công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đã có 3,6 triệu văn bản được kiểm tra. Trong đó, phát hiện được hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm với khoảng gần 10.000 văn bản phải đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2014, qua kiểm tra 183 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương, Bộ Tư pháp cũng phát hiện trên 100 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Trên thực tế, tình trạng ra văn bản sai rồi rút lại, hoặc sửa chữa nhiều lần, thiếu tính khả thi vẫn liên tục xảy ra. Không khó để điểm mặt những văn bản mới ra đời nhưng “chết yểu” do vấp phải sự phản đối từ phía người dân như quy định “ngực lép” không được điều khiển xe máy hoặc thịt tươi sống bảo quản trong nhiệt độ bình thường chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ … Đánh giá về tình trạng văn bản trái luật, văn bản không phù hợp với thực tiễn, luật sư Lê Hương Giang nhận định: “Người dân tuy không hiểu nhiều về chính sách pháp luật nhưng bảo điểm mặt chỉ tên những quy định "trên trời” thì đọc vanh vách. Tại sao họ lại biết, vì họ bị hành quá nhiều đến nỗi thuộc làu văn bản đó”. Điều đáng nói là việc xử lý các văn bản này mới chỉ dừng lại ở mức hủy bỏ hoặc ban hành thay thế; chứ chưa có ai bị xem xét trách nhiệm hay phải bồi thường thiệt hại do văn bản chậm, sai.


Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất), nhiều ý kiến đề xuất cần có quy định chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc chậm ban hành văn bản hoặc ban hành VBQPPL trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. “Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước nhân dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật”, ông Tuyến nhấn mạnh.


Nâng cao chất lượng từ khâu soạn thảo


Theo các chuyên gia, việc xây dựng cơ chế ràng buộc, xử lý trách nhiệm của những người đã tham gia tham mưu, soạn thảo, ban hành những VBQPPL "có vấn đề", tạo hành lang pháp lý phù hợp cho người dân đòi bồi thường khi bị thiệt hại là rất cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm thế nào để quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc bồi thường thiệt hại.


Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Lê Đức Thọ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy trình hiện hành, việc xây dựng, ban hành văn bản qua nhiều công đoạn, với sự tham gia của nhiều cơ quan nên rất khó quy trách nhiệm cho một cơ quan cụ thể. “Chưa kể tình trạng hiện nay, cán bộ cấp dưới tham mưu, xây dựng nội dung văn bản nhưng lãnh đạo mới là người ký quyết định ban hành. Pháp luật lại quy định khi xác định văn bản “có vấn đề”, cơ quan ban hành tự xử lý theo thẩm quyền. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu người ký duyệt văn bản có xử lý kỷ luật chính mình?”, ông Thọ phân tích.


Từ nhận định này, luật sư Lê Đức Thọ đề xuất giải pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng này là nâng cao chất lượng văn bản ngay từ khâu soạn thảo. Theo ông Thọ, để làm được điều này, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản có trình độ, kiến thức chuyên ngành cần thiết; am hiểu về đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt có sự “nhạy bén” nhất định. Bên cạnh đó cũng cần làm tốt việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản để phát huy hết trách nhiệm của mỗi người dân, các đối tượng chịu tác động chính của văn bản.


PV

Nhiều 'điểm sáng' trong dự thảo Luật Nhà ở
Nhiều 'điểm sáng' trong dự thảo Luật Nhà ở

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công; thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN