“Bám sát nhu cầu địa phương”

Mỗi đội tình nguyện về địa phương trung bình khoảng một tháng. Để sự tham gia của các tình nguyện viên thực sự đem lại hiệu quả, theo anh Tạ Văn Hạ, Trưởng Ban Thanh niên xung phong (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) - thường trực Ban chỉ đạo chiến dịch tình nguyện hè năm nay, Trung ương Đoàn đã có văn bản hướng dẫn và quán triệt các tổ chức Đoàn khảo sát nhu cầu địa phương, từ đó tùy theo đặc thù từng nơi, bố trí đội hình phù hợp, tránh việc “địa phương cần khám chữa bệnh lại mang đội quân phổ cập tin học về”.
PV Tin Tức đã có cuộc trao đổi với anh Tạ Văn Hạ xung quanh vấn đề này.


Xin anh cho biết, đối với đội quân về xã nghèo và xã đặc biệt khó khăn, có những hoạt động gì được ưu tiên triển khai?

Năm nay, Ban chỉ đạo chiến dịch tình nguyện hè 2011 đã xác định những nội dung trọng tâm của chiến dịch là hướng về giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới đang đặt ra ở cộng đồng.

Riêng các huyện nghèo, xã nghèo, ưu tiên triển khai các hoạt động: Tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân; sửa chữa, xây mới nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Điểm nhấn chính của chiến dịch là thành lập các đội hình hỗ trợ các gia đình chính sách, các hộ nghèo phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, miền núi, huyện nghèo, xã nghèo.

Dự tính, có bao nhiêu thanh niên tình nguyện về các xã nghèo, thưa anh?

Căn cứ kế hoạch của các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc, ước tính chiến dịch tình nguyện hè 2011 thu hút khoảng hơn 6 triệu lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia. Riêng tại các xã nghèo, địa bàn khó khăn, số tình nguyện viên chiếm từ 10- 15%, tương đương 200.000 - 250.000 đoàn viên thanh niên.

Với thời gian tình nguyện trung bình 1 tháng, với số tình nguyện viên đông, làm thế nào để chương trình thực sự hiệu quả trong tham gia hỗ trợ địa phương?

Một số kết quả bước đầu của chiến dịch tình nguyện vì an sinh xã hội
- Khám, chữa bệnh cho trên 68.000 người nghèo
- Chăm sóc, giúp đỡ 37.200 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
- Xây mới, sửa chữa, nâng cấp 518 căn nhà (trị giá trên 2,8 tỷ đồng) cho hộ nghèo, gia đình chính sách và cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.

Vấn đề an sinh xã hội là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, của cả cộng đồng. Trong đó, thanh niên có vai trò nòng cốt. Để hoạt động hiệu quả, Trung ương Đoàn đã có văn bản hướng dẫn các lớp tập huấn cho cấp cơ sở. Trước khi tổ chức đội tình nguyện, mỗi cơ sở đoàn phải khảo sát nhu cầu của địa phương. Nếu địa phương cần cấp phát thuốc, khám chữa bệnh thì đội bố trí y bác sỹ. Ứng với số dân để tính toán số tình nguyện viên. Tránh trường hợp nơi quá thừa, nơi thiếu hoặc không phù hợp với nhu cầu của địa phương. Không để chuyện địa phương cần khám chữa bệnh thì lại đưa đội quân phổ cập tin học về.

Tiếp đó, phải liên kết phối hợp giữa tổ chức đoàn các cấp với chính quyền. Không chỉ trong cùng địa phương mà có thể giữa tỉnh này với tỉnh khác. Ví dụ, Thành Đoàn Hà Nội liên kết với tỉnh đoàn Hà Giang để biết nhu cầu của địa phương này, lên khảo sát, hỗ trợ.

Lực lượng tình nguyện viên phải được lựa chọn, trang bị kiến thức kỹ năng để phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho đội hình tình nguyện để công tác tình nguyện hiệu quả. Việc huy động nguồn lực cho thấy, xu hướng, các hoạt động tình nguyện của thanh niên có hiệu ứng tích cực nên ngày càng thu hút được rộng rãi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ nguồn lực.

Xin cảm ơn anh!

Những bước chân tình nguyện về với xã nghèo
Những bước chân tình nguyện về với xã nghèo

Với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội”, ước tính mùa hè năm nay có khoảng 200.000 - 250.000 đoàn viên thanh niên tình nguyện về với các xã nghèo, góp phần cùng chính quyền, nhân dân giải quyết các vấn đề mới, khó và đáp ứng nhu cầu địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN