Bắc Ninh nỗ lực nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội

Từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2020, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mới gần 1.300 người

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hình thức bảo hiểm có nhiều ưu việt, thể hiện sự tích cực, chủ động của người dân về an sinh cho bản thân, góp phần chia sẻ gánh nặng với cộng đồng, bảo đảm phát triển xã hội.  

Chú thích ảnh
Người dân giao dịch tại quầy Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Vì vậy, những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh nỗ lực nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Người dân được hưởng lợi

Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Đông Du, xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tham gia giảng dạy trong ngành Giáo dục nhiều năm. Mặc dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng bà mới đóng bảo hiểm xã hội 15 năm. Theo quy định, bà phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu. Nhờ cơ chế đổi mới của bảo hiểm xã hội, bà đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần cho cả 5 năm. Đến nay, mỗi tháng bà được hưởng gần 3 triệu đồng.

“Mặc dù số tiền  không lớn nhưng góp phần giảm gánh nặng gia đình và xã hội. Với số tiền này, tôi có thể tự trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự trợ giúp cho con cháu. Đặc biệt, hàng năm, tôi được miễn phí tiền đóng bảo hiểm y tế. Tôi thấy chính sách này của Đảng, Nhà nước rất nhân văn”, bà Hường cho biết.

Cũng giống như bà Hường, bà Nghiêm Thị Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có 12 năm công tác, tuy nhiên mới tham gia bảo hiểm xã hội được 5 năm. Đến nay, còn 4 tháng nữa hết tuổi công tác, bà mong muốn có được một khoản tiền lương hưu hàng tháng chăm lo cuộc sống khi về già. Bà Hiền cho biết, tháng 10/2020, bà hết tuổi công tác, bà lo lắng về vấn đề chế độ hưu trí sau này. Được sự tư vấn, giải thích nhiệt tình của các đại lý bảo hiểm xã hội, bà mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện được đóng bảo hiểm xã hội 1 lần để sớm được hưởng chế độ.

Chú thích ảnh
Tư vấn Bảo hiểm xã hội tự nguyện tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Tính ưu việt của bảo hiểm xã hội đã đem lại niềm tin cho nhân dân. Đến nay, nhận thức của người dân về bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng ngày càng nâng cao. Chị Vũ Thị Huấn, thôn Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết khi được tư vấn thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều ưu điểm vượt trội như có thể tự lựa chọn mức đóng phù hợp, sau 20 năm đóng đến tuổi 60 đối với nam và tuổi 55 đối với nữ sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Đặc biệt, người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi về già, chị cũng quyết định làm thủ tục tham gia.

 “Năm nay mình tham gia, nếu sang năm kinh tế khá hơn, tôi sẽ tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho chồng và con. Khi trẻ tích lũy, dành dụm, về già có nguồn trông vào. Đó là nhu cầu nhân văn nhất mà bảo hiểm xã hội dành cho cộng đồng”, chị Huấn nói.

Chị Nguyễn Thị Tần, đại lý Bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, mặc dù mới đẩy mạnh chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn 2 năm gần đây, số lượng người quan tâm và tham gia bảo hiểm xã hội ngày một tăng. Mỗi năm, riêng đại lý của chị vận động gần 10 người tham gia với tỷ lệ đóng bảo hiểm 5 năm/lần đạt 100%. Ưu điểm của loại hình bảo hiểm này là an toàn, chắc chắn vì đây là bảo hiểm của Nhà nước, mức đóng không cao, phù hợp túi tiền người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn, giới thiệu cho khách hàng, chị gặp nhiều khó khăn do nhiều người còn băn khoăn bởi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện người dân chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất và sau khi nghỉ hưu được hưởng thêm bảo hiểm y tế. Trong khi nhiều bảo hiểm thương mại mặc dù có mức đóng cao nhưng chi trả rủi ro cao. Hầu hết người dân mong muốn Nhà nước mở rộng quyền lợi như bảo hiểm y tế, thai sản để gói bảo hiểm hấp dẫn hơn. Hơn nữa, người dân có thu nhập không ổn định nên cũng băn khoăn khi thời gian đóng bảo hiểm này trong thời gian dài.

Nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện 

Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 3.563 người. Hết năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch do Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao 107,8%, tương ứng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 7.153 người với số người tăng đạt gần 4.000 người.

Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết 6 tháng năm 2020, do tình hình dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, với chủ trương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, không tụ tập đông người, việc tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia khó khăn. Từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2020, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mới gần 1.300 người. Đặc biệt, trong ngày đầu ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân (tháng 5/2020), Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động 310 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chú thích ảnh
Tư vấn bảo hiểm xã hội tự nguyện tại phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Để có được kết quả trên,Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo các mức đối với người dân như với người nghèo hỗ trợ 30% mức đóng tối thiểu; người cận nghèo hỗ trợ 25% mức đóng tối thiểu và các đối tượng khác hỗ trợ 10% mức đóng tối thiểu. Tuy nhiên, điều này chưa tạo động lực mạnh mẽ cho người dân. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Tình khẳng định, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân để người dân chủ động tham gia.

Bên cạnh đó, ngành sẽ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương; mở rộng hệ thống các đại lý đến tận thôn, xã cho người dân có điều kiện được tiếp xúc với các chủ trương, chính sách bảo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng tinh giản gọn nhẹ thực hiện tốt cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4. Một trong những giải pháp quyết liệt là Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội góp phần xây dựng bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…

Thanh Thương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Chuyển hồ sơ 85 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội sang cơ quan Công an
TP Hồ Chí Minh: Chuyển hồ sơ 85 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội sang cơ quan Công an

Tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí, tổ chức ngày 17/6, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ của 85 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội kéo dài sang cơ quan Công an để truy tố theo Bộ luật Hình sự".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN