Đối với tỉnh vùng núi Bắc Kạn, tình trạng trượt, sạt đất đá là nỗi ám ảnh của nhiều người dân mỗi khi tới mùa mưa bão. Với đặc điểm độ dốc của địa hình đá vôi lớn, dân cư sống tập trung ở chân núi, chân đồi..., hiện tượng trượt lở luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân.
Chỉ tính riêng năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại cho tỉnh Bắc Kạn khoảng 40 tỷ đồng về nhà cửa, tài sản, hoa màu, sạt lở giao thông và các khu dân cư. Bên cạnh đó, tình trạng trượt, sạt trên các tuyến quốc lộ, huyện lộ cũng gây không ít khó khăn, nguy hiểm đối với các phương tiện giao thông với nguy cơ sạt lở, sụt lún taluy dương dẫn đến hậu quả vùi lấp hoặc làm mất đường. Trước tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 11 đợt khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1 trên 13 tuyến đường tỉnh và 3 tuyến quốc lộ.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn Dương Ngọc Thuyết, cuối tháng 3/2021, ngành đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của ngành nhằm tập trung rà soát vị trí ở các tuyến đường được giao quản lý, xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông khi sự cố xảy ra.
Để chủ động trong việc khắc phục hậu quả sạt lở trong mùa mưa sắp tới, ngành Giao thông vận tải tỉnh đã huy động 69 phương tiện giao thông, thuộc 10 đơn vị xây dựng sẵn sàng có mặt để khắc phục hậu quả khi sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông sớm được thông suốt. Ngành chủ động bố trí người, phương tiện 24/24 giờ để xử lý thông đường tạm thời khi có sự cố, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo tính mạng người dân.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn kinh phí triển khai nhiệm vụ. Do đặc thù không thể dự đoán, lường trước thiệt hại do thiên tai gây ra, do đó, phải chờ năm sau mới có thể đề nghị bố trí kinh phí trả nợ tiền khắc phục hậu quả thiên tai cho năm trước. Trong khi đó, Bắc Kạn là tỉnh nghèo nên việc bố trí nguồn kinh phí gặp nhiều khó khăn.