Công tác khắc phục vẫn đang được các đơn vị chức năng tiến hành, tuy nhiên tiến độ chậm do gặp nhiều khó khăn. Nhiều điểm sạt lở vẫn còn nguyên, cây cối, đất đá tràn xuống lòng đường che lấp lối đi, gây mất an toàn cho ng ười tham gia giao thông. Để khắc phục, các điểm taluy âm sạt lở sẽ phải dùng các rọ sắt để cố định đá cho chắc chắn, các điểm taluy dương sẽ được vát thoải hơn và hót đất sạt lở chở đi chỗ khác. Riêng tại các điểm sạt lở lớn phải bạt núi và hót một khối l ượng đất đá lớn nên mất khá nhiều thời gian.
Ông Đào Kiên Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn cho biết: Với đặc thù là một tỉnh miền núi, hệ thống đường giao thông đi qua những địa hình phức tạp th ường xuyên xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa, gây cản trở giao thông. Nguồn kinh phí hàng năm được phân bổ ít nên việc quản l ý cũng nh ư khắc phục sạt lở trên các tuyến đường giao thông ở Bắc Kạn gặp không ít khó khăn. Tổng khối lượng đất đá sạt lở lên đến trên 30 nghìn m3, để khắc phục triệt để phải mất nhiều thời gian.
Công ty Cổ phần Hồng Hà khắc phục sạt lở trên tuyến Quốc lộ 3B. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN |
Tình trạng sạt lở đất từ taluy dương xuống mặt đường gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông đã xảy ra từ nhiều năm nay ở tỉnh Bắc Kạn, trong đó có một số tuyến đường trọng điểm hay bị sạt lở đất là đường từ thành phố Bắc Kạn đi huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rỳ và Pác Nặm. Việc khắc phục sạt lở đất hiện nay chủ yếu được thực hiện nhanh ở những điểm gây ách tắc giao thông hoàn toàn, còn những điểm sạt lở khác thì khá chậm.
Tuyến đường Quốc lộ 3B đoạn từ xã Ngọc Phái huyện Chợ Đồn nối sang Tuyên Quang, có chiều dài 24,9 km nhưng đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn. Điểm sạt lở nhiều nhất là đoạn đèo Kéo Mác, Ba Bồ với khối lượng sạt lở lên đến hàng chục nghìn mét khối đất đá. Đây là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, với tổng nguồn vốn 401 tỷ đồng từ vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Tuyến đường vừa mới hoàn thành và chưa được bàn giao đưa vào sử dụng thì đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đất, đá tràn ra kín mặt đường đã gây tắc cục bộ. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, đơn vị quản lý tuyến đường đã huy động máy móc, nhân lực khắc phục sự cố sạt lở; tuy nhiên do nền đất yếu, cộng với độ dốc cao nên tại đây vẫn có thể xảy ra sạt lở.
Ông Nông Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Hà cho biết: Trận mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở khoảng hơn 10 điểm thuộc đoạn đường đơn vị quản lý, với khối lượng đất đá là trên 1 vạn khối. Sau khi sạt lở đơn vị thi công đã huy động máy móc xúc đất đổ đi để thông tuyến, đảm bảo giao thông. Là đơn vị có nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường và đảm bảo khắc phục hậu quả bão lũ trên địa bàn, Công ty luôn chuẩn bị phương tiện, nhân lực để sẵn sàng khắc phục khi có sạt lở xảy ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy vậy, do nguồn kinh phí còn eo hẹp, số tiền còn nợ trong việc khắc phục sạt lở các tuyến đường do tỉnh quản lý từ năm 2013 đến nay là 22 tỷ đồng nên Công ty cũng gặp khó khăn.
Các tuyến đường 258 từ thị trấn Phủ Thông đi Ba Bể, Quốc lộ 3B đoạn từ thành phố Bắc Kạn vào Chợ Đồn, Quốc lộ 279 đoạn qua địa phận huyện Na Rỳ, Ngân Sơn cũng đã xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở lớn nhỏ. Tại các tuyến đường này có nhiều điểm bị sạt lở ta luy dương, đất, đá tràn ra mặt đường, khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn.
Nhiều điểm hơn nửa quả đồi sạt xuống che hết lòng đường, một số đoạn cũng bị sụt lún nghiêm trọng, các taluy âm cũng bị sụt lún. Theo quan sát của phóng viên, nhiều điểm sạt lở, đất đá, cây cối sạt xuống đường, che lấp 1/2 lòng đường, nhiều tảng đá to và gốc cây tràn cả ra mặt đường gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông qua đây.
Trên thực tế, các tuyến đường này đều đã được khắc phục để thông xe ngay sau khi bị sạt lở nhưng chỉ là tạm thời vì có nhiều điểm sạt lở đất đá vẫn chiếm gần hết lòng đường, không chỉ cản trở giao thông mà còn có nguy cơ gây tai nạn rất cao, đặc biệt là vào ban đêm. Các ngành chức năng cầng sớm có biện pháp khắc phục triệt để hiện tượng sạt lở và cắm biển báo đảm bảo an toàn giao thông…