Người dân di chuyển lúa lên cao để phơi sau khi lũ rút. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN |
Tính đến ngày 17/10, đợt ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Đông Bắc và nhiễu động gió Đông trên cao đã gây lốc xoáy, mưa to đến rất to trên diện rộng từ ngày 13 đến sáng 17/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã gây ảnh hưởng nặng tới các công trình, nhà cửa của nhân dân địa phương.
Theo đó, mưa lớn trong thời gian dài làm cho mực nước các sông dâng cao, gây ngập lụt cục bộ một số hộ dân ở các vùng thấp trũng, ven sông, suối; làm ngập một số tuyến đường giao thông nông thôn ở các vùng thấp trũng như: địa bàn huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh sạt lở, chia cắt một số tuyến đường ở miền núi.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, tính đến 17/10, có 3 người dân ở huyện Triệu Phong bị thương; 1.589 nhà dân ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà bị tốc mái, xiêu vẹo; 1.033 ngôi nhà ở các xã Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh thuộc lưu vực sông Sa Lung ngập sâu 1 m; 1 nhà dân ở huyện miền núi Đakrông bị vùi lấp; 8 điểm trường học, trụ sở hợp tác xã ở 2 huyện Triệu Phong, Gio Linh và 1 nhà văn hóa thôn ở huyện Hải Lăng bị tốc mái, hư hỏng; 10 điểm trường, 3 điểm Trung tâm y tế và trạm xá ở huyện Vĩnh Linh bị ngập lụt.
Bên cạnh đó, 244 ha hoa màu, 31 ha cao su, 10 ha hồ tiêu, 383 ha sắn và chuối, 60 ha cây lâm nghiệp, 10.033 gia súc và gia cầm, 39 ha mặt hồ cá bị thiệt hại; 1.900 m3 hồ tôm bị sạt lở, vỡ; 12 thuyền nhỏ bị hỏng nặng. Về điện lực, có 20 cột điện hạ thế bị đổ, gãy và nhiều đường dây điện bị đứt, hư hỏng; 4 cột dây truyền thanh; 1 trụ ăng-ten bị đổ, gãy. Hệ thống thông tin liên lạc như điện thoại, internet… bị đứt, hỏng ở nhiều điểm.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, đoàn công tác của UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã về các địa bàn xung yếu, các địa bàn xảy ra lốc xoáy để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng cứu và thăm hỏi động viên nhân dân các vùng bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, mưa lũ. Các địa phương, đơn vị nhanh chóng huy động lực lượng vệ sinh môi trường như chặt, dọn cây cối đổ ngã, khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt sau mưa lũ.
Để đối phó với bão số 7, ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tổng số tàu thuyền của tỉnh là 2.299 chiếc với 6.933 người đều nhận được thông tin về diễn biến thời tiết nguy hiểm và diễn biến bão số 7 (Sarika), có thông tin liên lạc thường xuyên và đã vào các vị trí trú ẩn, neo đậu an toàn.
Địa phương triển khai sơ tán 897 người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (vùng ven sông, suối, ngập sâu, sạt lở đồi núi, sạt lở bờ sông nguy hiểm như 2 hộ dân ở thôn A Sóc (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) đang sống sát cạnh khu vực bờ sông Sê Păng Hiêng bị sạt lở nguy hiểm 100m; thực hiện các phương án chống lũ cho công trình đê điều, hồ đập, công trình đang thi công; chủ động phòng chống bão số 7 với phương châm 4 tại chỗ.