Ngày 21/7, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho biết thông tin trên. Ông Lê Thanh Hải cho biết, nên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo được phát thường xuyên trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như trên các phương tiện truyền thông.
Dải tụ nhiệt đới đã gây ra mưa lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sau khi bão đi sâu vào Thanh Hóa sang bên phía Lào thì tiếp tục gây ra mưa (hậu bão) cho các tỉnh Bắc bộ đặc biệt là vùng núi phía Bắc như: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái (nghiêm trọng nhất là Yên Bái) và hiện nay đang lan rộng sang các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ.
Đây chính là một hình thái thời tiết rất nguy hiểm gọi là dải tụ nhiệt đới (trong dải tụ nhiệt đới có các cơn bão, áp thấp nhiệt đới xen kẽ) và trong dải tụ nhiệt đới luôn luôn có thể hình thành lên các xoáy thấp.
"Như sáng 21/7, chúng ta thấy có một xoáy thấp ở ngay chính tam giác châu thổ sông Hồng, xoáy thấp đang phát triển và có khả năng dịch chuyển về phía Đông đến Đông Nam, khi vùng xoáy thấp này xuống đến Vịnh Bắc bộ thì nguy cơ trở lại thành áp thấp nhiệt đới thậm chí thành bão và sẽ "quần thảo" trên Vịnh Bắc bộ. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ, có thể nó sẽ đi về phía Lôi Châu lên phía Quảng Đông hoặc sang Quảng Tây", ông Lê Thanh Hải nêu ví dụ.
Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội, người dân đang lo lắng là có khả năng lập lại trận lụt như năm 2008 đã từng xảy ra nhưng hình thái thời tiết này là loại hình thái thời tiết không giống như 2018.
Mưa sẽ dai dẳng, kéo dài (nhưng hiện Hà Nội đang tập trung là giai đoạn đầu của mùa mưa), mực nước các con sông, hồ trong thành phố đang ở mức thấp nên khả năng chứa được nước là lớn, nguy cơ ngập úng sâu và rộng như 2008 hầu như không có khả năng xảy ra trong đợt mưa lũ này.
Tuy vậy không vì thế mà chủ quan, mọi phương án, sự chuẩn bị vẫn phải được chủ động đặt ra để ứng phó với các tình huống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo đó, ngày 21/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản số 351 về ứng phó với xoáy thấp trên Vịnh Bắc bộ và mưa lớn trên diện rộng.
Để chủ động ứng phó với xoáy thấp có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai nghiêm túc Công điện số 931/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Đối với khu vực biển và ven bờ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của xoáy thấp trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo.
Đối với khu vực đất liền: Theo dõi chặt diễn biến mưa, lũ, xoáy thấp; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án ứng phó ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp, trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.