Ngày 13/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương- Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện khẩn số 10 gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố phía bắc và các bộ liên quan yêu cầu triển hai các biện pháp đối phó với các tình huống mưa, lũ.
Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Các tỉnh, thành phố nhận được công điện gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Đinh, Thái Bình, Hải Phòng; các bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh thấp bị nén, kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ đêm 12 đến sáng 13/8, ở các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 50 đến 70mm.
Trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 13 đến ngày 15/8, sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 3 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La chiều tối 13/8 có khả năng lên mức 10.000 - 12.000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đến sáng 14/8 lên trên mức báo động 1 và còn tiếp tục lên.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào lúc 12 giờ ngày 13/8, giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy vào hồi 13 giờ ngày 13/8. Lưu lượng xả các hồ Thủy điện Sơn La, Hòa Bình sẽ được điều tiết theo diễn biến thời tiết. Mức nước trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình sẽ tăng cao trong những ngày tới.
Để chủ động đối phó với các tình huống mưa, lũ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các bộ, ngành theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, cảnh báo cho người dân ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng, có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động có các biện pháp ứng phó; thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở vùng ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.
Chuẩn bị lực lượng kiểm soát giao thông, đặc biệt là các bến đò dọc, đò ngang, đường ngầm để hướng dẫn phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phóng chống lũ quét và sạt lở đất, nắm thông tin thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Thanh Tuấn