Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh An Giang trung bình khoảng 1.128 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị khoảng 505 tấn/ngày (chiếm 44,8%) và khu vực nông thôn 623 tấn/ngày (chiếm 55,2%). Đến nay, tỉnh đã mở rộng thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại 153/156 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh thu gom chất thải rắn sinh hoạt được khoảng 718 tấn/ngày (đạt 64,3%), trong đó Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang thu gom 690 tấn/ngày, các tổ tự quản thu gom của xã thu gom khoảng 28 tấn/ngày. Lượng rác còn khoảng 410 tấn/ngày chủ yếu ở vùng sâu, cù lao... được người dân tự xử lý tại gia đình như chôn, đốt... hoặc thải ra môi trường.
Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 cụm xử lý tập trung của tỉnh và chôn lấp không hợp vệ sinh tại các bãi rác tập trung của huyện, các bãi rác phân tán. Bên cạnh đó, chất thải rắn chưa được thu gom khoảng 410 tấn/ngày và được người dân thu gom và xử lý bằng cách chôn lấp tại vườn, đốt thủ công hoặc bỏ trực tiếp ra sông, ao, khu trống gần nhà.
Ông Võ Hùng Dũng cũng cho biết: Hiện toàn tỉnh có 3 bãi rác được thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý rác tập trung ở các huyện Châu Thành, Châu Đốc và huyện Phú Tân. 33 bãi rác còn lại là những bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và cần phải đóng cửa để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Theo ông Dũng, dự kiến, đến năm 2025, tỉnh sẽ đóng cửa 33 bãi rác này, tuy nhiên kinh phí để đóng cửa xử lý triệt để các bãi rác này quá lớn trên 200 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh còn rất hạn chế.
Để giải quyết lượng rác thải tồn đọng ngoài môi trường khi 33 bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường đóng cửa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị Sở Xây dựng tỉnh đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 nhà máy xử lý rác tại 3 cụm: Long Xuyên, Châu Đốc và Phú Tân; đảm bảo trong năm 2020 đưa 3 nhà máy xử lý rác thải tập trung đi vào hoạt động.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang đẩy nhanh, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để đưa 2 lò đốt rác thải tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn và xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn vào hoạt động; hoàn chỉnh các thủ tục về môi trường và đưa vào sử dụng hố chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại khu xử lý xã Bình Hòa, huyện Châu Thành.
Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị UBND tỉnh An Giang hoàn chỉnh việc đầu tư các nhà máy xử lý rác, các cụm xử lý rác tập trung và tập trung thu gom và xử lý rác thải tại cụm xử lý Long Xuyên, Châu Đốc và Phú Tân để đảm bảo môi trường.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, hoàn thành thủ tục để đưa 3 nhà máy xử lý rác tại 3 cụm Long Xuyên, Châu Đốc và Phú Tân đi vào hoạt động đúng lộ trình trong năm 2020. Các bãi rác lộ thiên ô nhiễm sẽ đóng cửa, ngưng tiếp nhận rác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang xây dựng Dự án xử lý triệt để các khu vực ô nhiễm môi trường tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh An Giang, để tránh gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực này.