Trước đó, vào ngày 3/6, người dân tại khu dân cư dọc bờ sông Châu Đốc, chạy dọc tuyến tỉnh lộ 957, thuộc tổ 44 ấp An Thạnh, thị trấn An Phú (huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện nhiều vết rạn, nứt rộng khoảng 5cm, chạy dài khoảng 35m, có nguy cơ sạt lở rất cao; đe dọa đến sự an toàn của 2 nhà dân gần đó; chính quyền địa phương và người dân đã kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn, tránh bị thiệt hại do sạt lở.
Đến khoảng 10 giờ ngày 5/6, tại vị trí rạn, nứt nêu trên đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 70m, ăn sâu vào đất liền từ 10-15m; khu vực sạt lở có 1 đoạn rất nghiêm trọng dài hơn 30m, sâu khoảng 18m, điểm sạt lở cách tỉnh lộ 957 gần 20m, đe dọa tuyến giao thông huyết mạch từ huyện An Phú đi thành phố Châu Đốc (An Giang).
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng đến 6 nhà dân, buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn (2 nhà dân đã di dời trước đó, khi có dấu hiệu sạt lở); trong đó 2 căn nhà bị sụp phần nhà bếp và công trình phụ xuống sông.
Theo ông Đoàn Bình Lâm, đến chiều 5/6, sạt lở vẫn đang có dấu hiệu tiếp diễn. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, tạo thành lạch sâu và hàm ếch gây sạt lở.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, UBND huyện An Phú và thị trấn An Phú đã vận động di dời 6 hộ dân về ở tạm nhà người thân; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân di dời nhà, tài sản đến nơi an toàn; thông báo đến các hộ lân cận khu vực về nguy cơ sạt lở để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, chủ động di dời đến nơi an toàn.
UBND huyện An Phú đã kéo dây, lắp biển báo tạm để hướng dẫn, cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm quan trắc kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) tiến hành khảo sát hiện trường sạt lở, quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời cảnh báo và đề xuất hướng xử lý phù hợp.