Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển (23/11/1946 - 23/11/2021), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tham gia xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Mốc son lịch sử
Ngày 23/11/1946, Hội Hồng thập tự Việt Nam (tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) chính thức được thành lập tại đình làng Thanh Ấm thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa của tỉnh Hà Tây (nay là của thành phố Hà Nội). Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân; kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp; bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son sáng chói đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội quần chúng, tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, có 4 tính chất đặc thù: tính xã hội, sự chuyên nghiệp, có hệ thống và có quan hệ quốc tế. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng; thành viên tích cực của tổ chức có 190 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia; thành viên chính thức của Phong trào Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (từ năm 1957).
Hội hoạt động với 7 nguyên tắc cơ bản là “nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu” và vì 3 mục tiêu “nhân đạo - hòa bình - hữu nghị”, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vì hạnh phúc của nhân dân và tham gia các hoạt động nhân đạo quốc tế.
Trên những chặng đường lịch sử đầy chông gai thử thách nhưng hết sức vẻ vang của dân tộc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có những đóng góp quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị; tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo nhằm thực thi Luật Nhân đạo quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; thực hiện chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử phát triển của Hội là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp; gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân và phong trào nhân đạo quốc tế.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy sức mạnh đoàn kết, với vai trò là tổ chức nòng cốt - cầu nối - điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”, thực hiện chính sách an sinh xã hội, tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội; giữ vững ổn định chính trị bằng nhiều hoạt động thiết thực. Hội là tổ chức đi đầu vận động, ủng hộ nhân dân trong nước và các quốc gia bị thảm họa, thiên tai, góp phần quan trọng thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước.
Không ngừng lớn mạnh, hỗ trợ tích cực cho người dân
Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ có nhiều khởi sắc. Vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từng bước được khẳng định; tổ chức 4 cấp của Hội được củng cố, kiện toàn. Từ chỗ chỉ có vài trăm hội viên trong những ngày đầu thành lập, đến nay toàn Hội có trên 15.000 cán bộ chuyên trách; trên 3,4 triệu hội viên; 383.000 tình nguyện viên; trên 3,5 triệu thanh thiếu niên hoạt động tại hơn 23.900 tổ chức hội cơ sở.
Từ chỗ chỉ tập trung hoạt động ở một vài thành phố lớn, trong một số lĩnh vực cụ thể (chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu, chăm sóc thương bệnh binh, trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh), đến nay tổ chức hội đã có mặt ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, trong nhiều trường học, cơ quan, tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, gắn bó với các đối tượng khác nhau ở các vùng miền, lĩnh vực hoạt động và hoàn cảnh khác nhau, tập trung 4 hoạt động trọng tâm: ông tác xã hội; chăm sóc sức khỏe; hiến máu, hiến mô bộ phận cơ thể người; phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Hoạt động hợp tác quốc tế của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được mở rộng; công tác vận động nguồn lực và trợ giúp đối tượng ngày càng có hiệu quả; công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo có kết quả rõ rệt...
Trong Thư gửi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước nhân Ðại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V (tháng 11/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đánh giá cao các phong trào thi đua của Hội và khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước do Hội thực hiện đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho hàng triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, làm lan tỏa lòng nhân ái, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước; tăng cường mối quan hệ đoàn kết quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, đóng góp tích cực vào kết quả các cuộc vận động và phong trào thi đua lớn của đất nước.
Năm năm qua (2017-2021), Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” huy động được gần 5.500 tỷ đồng trợ giúp khoảng 13 triệu hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, các hộ bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đạt trên 536 tỷ đồng trợ giúp 415.000 địa chỉ nhân đạo. Công tác vận động hiến máu đạt 6,5 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt 97,5%, tương đương 1,5% dân số. Công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa hỗ trợ 12,5 triệu lượt người với tổng trị giá 1.935 tỷ đồng
Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thí điểm “Tháng Nhân đạo” (tháng cao điểm toàn dân làm công tác nhân đạo) vào tháng 5 hàng năm và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2021, nhằm huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo, trợ giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Qua 4 năm triển khai, “Tháng Nhân đạo” trợ giúp gần 3,7 triệu lượt người với tổng trị giá trên 1.540 tỷ đồng. Trong hai năm qua, Hội hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt giá trị trên 915 tỷ đồng...
Đổi mới vì sự phát triển bền vững
Năm 2020-2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nước ta, tác động tiêu cực đến nền kinh tế; gây ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết Đại hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ X với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, từng bước gắn với công nghệ thông tin, đạt hiệu quả cao, nổi bật là công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Các phong trào lớn của Hội như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng Nhân đạo” cũng được triển khai linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh thông qua các mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả như: chợ nhân đạo tại chỗ, lưu động; các chốt, điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân vùng dịch; ATM gạo miễn phí; túi hàng gia đình cấp phát tại nhà cho người dân khu vực bị phong tỏa; các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản…
Tại những địa phương đang là “tâm dịch”, Hội Chữ thập đỏ các cấp tích cực vận động, tiếp nhận nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tại địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn.
Với nhiều cách làm thiết thực, sinh động, hiệu quả, trong tình hình dịch bệnh gây nhiều khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2021 tổng giá trị hoạt động nhân đạo của các cấp hội đạt trên 2.700 tỷ đồng, trợ giúp trên 10,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn (hiệu quả hoạt động đạt trên 8,7 lần kinh phí Nhà nước cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam).
Trải qua 10 kỳ Đại hội - chặng đường 75 năm với những bước trưởng thành vượt bậc và cống hiến xuất sắc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhất và 2 lần vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998 và 2011).
Theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong giai đoạn tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tập trung tổ chức hiệu quả các mô hình, hoạt động nhân đạo; tuyên truyền mạnh mẽ các giá trị nhân đạo; đề cao niềm tin và trách nhiệm giải trình; phát huy những giá trị cốt lõi của Hội Chữ thập đỏ: nhân đạo, vô tư, tự nguyện, chuyên nghiệp, minh bạch, thích ứng, hiệu quả; kiến tạo môi trường, truyền cảm hứng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện; phát triển mạnh mẽ lực lượng, đội hình tình nguyện viên; xây dựng, triển khai chuyển đổi số trong hệ thống hội để từng bước thích ứng và hội nhập công nghệ 4.0… nhằm hướng tới mục tiêu “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”.