Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động tại khu vực trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên sông; phương tiện vận tải thuỷ; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thuỷ điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về xả lũ hồ chứa, công tác điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các bộ, ngành để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã lệnh Công ty Thuỷ điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy vào hồi 7 giờ ngày 3/9. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các cơ quan có liên quan.
Hồi 14 giờ ngày 2/9, mực nước hồ Sơn La ở cao trình 214,42 m, lưu lượng đến hồ là 3.054 m3/s, tổng lưu lượng xả là 2.498 m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện).