So với 6 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 636 vụ (giảm 6,22%), số người chết giảm 229 người (giảm 5,25%), số người bị thương giảm 1.004 người (giảm 11,23%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 9.457 vụ, làm chết 4.031 người, bị thương 7.890 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 615 vụ (-6.11%), giảm 225 người chết (-5.29%), giảm 1.018 người bị thương (-11.43%).
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT là do đi không đúng phần đường làn đường (24,91%), vi phạm tốc độ quy định (10,2%), vượt xe sai quy định (6,7%), quy trình, thao tác lái xe kém (7,7%), sử dụng rượu bia (1,68%)... Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy (65%), xe ô tô (30%).
Đường sắt xảy ra 76 vụ, làm chết 65 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 13 vụ (-14.61%), giảm 6 người chết (-8.45%), tăng 4 người bị thương (+15.38%). Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường dân sinh không chú ý quan sát, không chấp hành báo hiệu giao thông đường sắt khi có tàu qua.
Đường thuỷ nội địa xảy ra 50 vụ, làm chết 26 người, bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 10 vụ (-16.67%), giảm 9 người chết (-25.71%), tăng 9 người bị thương (+180%). Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc tránh vượt, chiếm 70,83%, còn lại do đâm va chướng ngại vật, quá tải và thiết bị không đảm bảo an toàn.
Đáng chú ý là có 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 15% là: Hà Nam, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu, trong đó, có 04 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là: An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu.
Về tình hình ùn tắc giao thông, từ đầu năm đến nay có diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), toàn quốc xảy ra 33 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. So với 6 tháng đầu năm 2016, tăng 8 vụ (+24,24%); nguyên nhân do tai nạn giao thông 22 vụ (66,7%), lưu lượng phương tiện đông 3 vụ (9,9%).
Đến nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều điểm dễ xảy ra ùn tắc giao thông phức tạp, kéo dài như tại các tuyến đường kết nối với đầu mối giao thông lớn (CHK Tân Sơn Nhất), các nút giao chưa có cầu vượt giữa đường trục hướng tâm và các đoạn tuyến vành đai; các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý. Các hoạt động lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra hiện ùn ứ giao thông cục bộ trong các đô thị.