Kỳ 2: “Tấm bản đồ má trao”
Theo kế hoạch, sáng 30/4 quân ta sẽ bắt đầu tấn công Sài Gòn. Đêm 29/4, đơn vị của Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu có nhiệm vụ bắt liên lạc với cơ sở của ta tại Lái Thiêu để xin trợ giúp.
Má Sáu Ngẫu (đeo kính) chỉ đường trên bản đồ cho quân giải phóng. |
Cơ sở và đơn vị tất nhiên không ai biết rõ ai. Chỉ có một “mật hiệu” để tìm nhau, đó là nếu bên này hô “Hồ Chí Minh”, thì bên kia hô “Muôn năm” và ngược lại. Và tiếng hô “Hồ Chí Minh- Muôn năm” ấy thật sự đã giúp những người đồng đội tìm thấy nhau.
Tầm 8 giờ tối ngày 29/4, với sự dẫn đường của Sáu Châu, Huyện đội phó của Lái Thiêu, đơn vị trinh sát của Trung đoàn 27 tiến vào khu vực Chiến khu Thuận- An- Hoà (thị xã Thuận An), nay thuộc tỉnh Bình Dương. Lúc này quân địch đã rất hoang mang, vỡ trận, nhưng một bộ phận bảo an dân vệ vẫn cố thủ trong các đồn bốt, bắn súng nhỏ đì đùng suốt đêm. Người dân, phần nhiều sợ đạn lạc, nên đều về nhà sớm, đóng cửa, tắt đèn…
Trong cái bóng đêm mịt mùng ấy, đột nhiên đơn vị phát hiện một căn nhà nhỏ có ngọn đèn le lói. Tất cả chúng tôi đều linh cảm đó là cơ sở mật của ta, tổ trinh sát tìm cách tiếp cận căn nhà thì thấy bên trong có một bà má đang ngồi trước ngọn đèn nhỏ. Khi các chiến sĩ hô nhỏ “Hồ Chí Minh”, thì bà má đáp ngay “Muôn năm”. Đúng cơ sở mật rồi, ngay lập tức Trung đoàn trưởng Hiệu, Chính uỷ Thư và Huyện đội phó Sáu Châu cùng vào nhà gặp má.
“Tôi còn nhớ như in hình ảnh má lúc đó. Má tầm khoảng 60 tuổi, đeo kính, ở nhà cùng với má có 2 người con, một cô con gái tên Phước 17 tuổi và một cậu con trai tên Đức 13 tuổi. Tôi giới thiệu tôi là chỉ huy quân giải phóng vào đây bắt liên lạc, nhờ má giúp đỡ. Tôi trải bản đồ chỉ huy của mình lên bàn, nhờ má chỉ đường vào Sài Gòn, cũng như cho biết địch ở đây bố trí ra sao, để còn có kế hoạch ứng phó”, tướng Hiệu kể.
Bà má “trông rất trí thức” như lời tướng Hiệu kể, giương kính nhìn tấm bản đồ một hồi rồi bảo: “Má không sành bản đồ này”. Nói xong, má vào nhà trong và mang ra một tấm bản đồ hành chính của thành đô Sài Gòn. Khi má trải ra, tất cả các anh em ngồi xung quanh bàn đều sững sờ vì đó là một tấm bản đồ vô cùng chi tiết, chữ viết rất đẹp, trên đó, má đã đánh dấu rõ đường đi lại, nơi địch bố trí, chốt chặn, các điểm có thể vượt qua, các điểm nguy hiểm trên đường đi từ Lái Thiêu và tới Sài Gòn…Tất cả đều rất rõ ràng, chi tiết và tỉ mỉ.
“Tôi còn nhớ má bảo đây là tấm bản đồ thành đô Sài Gòn, do chồng má để lại cho má. Chồng má là Hai Nhương, cán bộ cơ sở đã bị địch bắt hồi Mậu Thân năm 1968 và đã hy sinh. Sau khi nhận được tấm bản đồ từ chồng, má đã luôn giữ lại và bổ sung mỗi khi địch có sự thay đổi về lực lượng, bố phòng. Sau đó, má khuyên chúng tôi không nên hành quân qua cầu sắt Lái Thiêu vì cầu nhỏ, đi lại rất hó khăn. Những thông tin này của má là vô cùng quan trọng với chúng tôi lúc đó, giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian tìm hiểu, đồng thời tránh được thương vong trong quá trình hành quân”, tướng Hiệu xúc động kể lại.
Cũng theo tướng Hiệu, lúc đó ông và mọi người cũng không biết nhiều về má, và sau này mới biết má tên là Sáu Ngẫu (Nguyễn Thị Sáu), là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn. “Thông tin cuối cùng má cung cấp cho đơn vị là cách đây khoảng 4 km, có trại Huỳnh Văn Lương, nơi có khoảng 2.000 học sinh hạ sĩ quan và 2 đại tá chỉ huy, cả sĩ quan và lính trong trại đều rất dao động, đang “án binh bất động”, má bảo không nên đánh, mà nên gọi hàng để vượt qua mà không có thương vong. Nghe lời má, sau đó chính trị viên của Trung đoàn chúng tôi đã cầm loa địch vận kêu hàng và trại Huỳnh Văn Lương đã đầu hàng mà không mất một viên đạn của ta”, tướng Hiệu kể lại.
Có tấm bản đồ má trao, có biết bao thông tin má đã cất giữ bao năm nay dành cho giây phút trọng đại này, đơn vị của Trung đoàn trưởng Hiệu đã vững vàng hơn rất nhiều để lên đường. Đơn vị lúc đó, tất cả đã hợp thành một, riêng bộ binh là 2.000 người, còn tính cả xe tăng, pháo bình, phòng không thì gần 3.000. Quân đông, trong khi đường lại đang ùn tắc, do lúc này quân địch và xe tăng của chúng đã dồn về Lái Thiêu rất đông. “Địch thì chặn đường, mà mình đánh sẽ không hoàn thành nhiệm vụ tiến vào Sài Gòn, trong lúc này chúng tôi rất cần người dẫn đường, thấy thế, má bảo để má và các con đi cùng chúng tôi, dẫn đường cho chúng tôi vào Sài Gòn. Tôi nhìn má, vô cùng cảm phục và thương yêu, tôi bảo má: “Thôi con cảm ơn má, má già rồi, các em còn nhỏ, nên má và các em ở lại, khi đánh xong chúng con sẽ quay lại tìm má”.
Hai Mỹ, chiến sĩ biệt động dẫn đường cho chiếc xe K63 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy dẫn đầu trên đường tiến vào cầu Vĩnh Bình, Sài Gòn, trong chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Và đơn vị đã lên đường, cùng tấm bản đồ của má và do anh Sáu Châu, Huyện đội phó Lái Thiêu và chị Hai Mỹ, Bí thư Huyện đoàn Lái Thiêu, dẫn đường.
“Một kỷ niệm sâu sắc mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên đó là khi chúng tôi chuẩn bị rời đi thì em Đức, con trai của má hỏi: “Mai mấy anh đi rồi, nhỡ đâu địch đến nhà giết má, giết em thì sao?”. Lúc đó, tôi đã xoa đầu em và bảo : “Em cứ yên tâm, tụi anh đi, mai tụi anh sẽ quay về!”, vậy là cu cậu mới yên tâm”.
Tướng Hiệu cho biết, đến bây giờ ông vẫn giữ liên lạc với Đức, thỉnh thoảng vẫn gọi điện nói chuyện với nhau, kể lại kỷ niệm ấy và cười sảng khoái. Còn với má Sáu Ngẫu, thì tướng Hiệu vẫn giữ liên lạc với bà cho tới khi bà mất. “Khi ra ngoài Bắc công tác và học tập, tôi vẫn thường xuyên viết thư cho má Sáu Ngẫu và má cũng gửi thư hồi âm. Ngày đó, do nhiệm vụ công việc, tôi phải đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn, tiếp theo là đi học ở nước ngoài nên tôi chỉ có điều kiện biên thư cho má. Còn từ năm 1980 trở đi, khi đã có điều kiện hơn, theo thông lệ hằng năm, cứ vào dịp báo ân 30/4, tôi và anh em trong Trung đoàn 27 vân thường vào miền Nam để tri ân bà con nhân dân và vào thăm má”, tướng Hiệu chia sẻ.
Vào tháng 10/1989, khi Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang đi công tác nước ngoài thì má Sáu Ngẫu mất. Về nước, ông đã nhờ người khắc bia đá từ Thanh Hóa, rồi tự tay mang vào Bình Dương và cùng gia đình xây phần mộ cho má. Tấm bia ghi rằng: “Đại đoàn Đồng Bằng/ Trung đoàn 27 Triệu Hải - Anh hùng/ Ghi ơn bà má Sáu Ngẫu đã chỉ đường cho trung đoàn vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975”. Kể từ đó, năm nào cũng vậy, gia đình tướng Hiệu lại về dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu và các liệt sĩ ở nghĩa trang Bình Dương.
Câu chuyện về má Sáu Ngẫu chính là nguồn động lực để vào dịp 30/4/2013, Tỉnh đội Bình Dương xây dựng một bộ phim phóng sự với nhan đề “Bà má tham mưu”. Phóng sự này được gửi đi tham dự và đoạt giải nhì toàn quân năm 2013. Trong bộ phim có sử dụng lời bài hát “Tấm bản đồ má trao” do nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác ngay sau khi giải phóng miền Nam để tặng riêng cho má và Trung đoàn Triệu Hải, cũng như bà con nhân dân ở Lái Thiêu, Bình Dương.
Tuyết Anh (ghi)
Kỳ cuối: Người liệt sĩ cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn…