39 phút cho những khoảnh khắc lịch sử 39 năm

Căn nhà của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nằm trong con phố Hoa Bằng (Hà Nội) bình yên đến nao lòng. Không có chút “lính” nào trong không gian êm đềm toàn hoa và cây cảnh cùng chút tiếng chim xa xa của ông, trong khuôn viên rộng khoảng 350m2 đã gắn bó với ông gần 30 năm qua. Cũng ít có chút “quân sự” vốn khiến người ta nghĩ rằng sẽ rất nghiêm, rất khô khan trong vị tướng ngoài 68 tuổi vẫn nhanh nhẹn, xởi lởi và vui chuyện này.


Nhưng rồi câu chuyện kéo dài đúng 39 phút quý báu với vị tướng bận rộn, chưa từng nghỉ ngơi suốt 4 năm về hưu vừa rồi, về những khoảnh khắc lịch sử cách đây đúng 39 năm, khi ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Triệu Hải, chỉ huy cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn… lại khiến người đối diện có một cái nhìn rất khác về ông…

Kỳ 1: Những ngày thần tốc


Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, cách đây đúng 39 năm, lúc đó ông Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải) thuộc Sư đoàn 320B của Quân đoàn 1 (còn gọi là Binh đoàn Quyết Thắng). 


Ban chỉ huy Trung đoàn 27 và đồng chí Trịnh Hùng Thái, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (giữa), tại Bộ Tổng tham mưu quân nguỵ Sài Gòn chiều 30/4/1975.


Trong trí nhớ ông, một trong những cái “cột mốc” đầu tiên là ngày 18/3, khi đó đơn vị đang làm nhiệm vụ đắp đê ở Gia Khánh, Ninh Bình, thì nhận được lệnh trở về Quân đoàn nhận nhiệm vụ mới. “Tôi tháp tùng Sư đoàn trưởng Lưu Bá Sảo và Chính uỷ Sư đoàn Đỗ Mạnh Đạo về Tam Điệp (Ninh Bình), nhận nhiệm vụ từ đồng chí Nguyễn Hoà, Tư lệnh Quân đoàn và đồng chí Hoàng Minh Thi, Chính uỷ Quân đoàn. Tôi còn nhớ, sau khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi, đồng chí Chính uỷ Hoàng Minh Thi bắt tay chúng tôi, còn Tư lệnh Nguyễn Hoà thì đã dặn dò: Hành quân thần tốc nhưng phải bảo đảm an toàn”, tướng Hiệu nhớ lại.


Nhiệm vụ của Trung đoàn 27 là hành quân thần tốc từ Tam Điệp vào Đông Hà (Quảng Trị) để làm dự bị cho đơn vị bạn đánh vào thành phố Huế, giải phóng Huế và Đà Nẵng. Vì gấp gáp, nên mọi phương tiện đều được huy động cho cuộc hành quân, cả tàu hoả, ô tô… để đảm bảo đúng thời gian tập kết quy định tại Đông Hà, tham gia giải phóng Huế và Đà Nẵng. Nhưng khi đơn vị vào đến Huế ngày 26/3 thì thành phố Huế đã được giải phóng. Lại nhận lệnh hành quân tiếp, đi qua Huế để vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) vào ngày 29/3, vẫn tiếp tục làm dự bị cho đơn vị bạn. Và khi bộ phận đi đầu của đơn vị vượt qua đèo Hải Vân vào đến bán đảo Sơn Trà, thì quân địch ở đây cũng đã bị đơn vị bạn đánh vỡ, Đà Nẵng đã giải phóng.


Trung đoàn 27 tiến công vào giải phóng Lái Thiêu.


Nhiệm vụ của đơn vị thế là hoàn thành, dù chưa một phát súng phải bắn ra. Anh em trong đơn vị xem ra cũng có phần tiếc nuối vì không được tham gia chiến đấu. “Và rồi cơ hội lại đến, ngày 29/3, khi đang ở bán đảo Sơn Trà, thì tôi nhận được lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam qua 15w: Cho trung đoàn quay ra Đông Hà để nhận nhiệm vụ mới. Thế là trung đoàn lại lên đường trở ra Đông Hà. Tại đây, chúng tôi được đích thân Tư lệnh Nguyễn Hoà và Chính uỷ Hoàng Minh Thi đến giao nhiệm vụ, đồng thời động viên và bổ sung các điều kiện cần thiết cho cuộc hành quân tiếp theo từ Đông Hà qua đường Trường Sơn, vào Đồng Xoài, tức là Đông Nam Bộ, để chuẩn bị giải phóng miền Nam”, tướng Hiệu kể.


Cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, trên những chiếc ô tô của Đường dây 559 (Binh đoàn Trường Sơn), nhiều nhất là bụi. Trong trí nhớ của Tướng Hiệu, những ngày ấy là mùa khô, lại là thời điểm xe ô tô và các đoàn quân đang trùng trùng điệp điệp tiến vào Nam, nên đất bụi mù mịt, anh em ai cũng đen nhẻm bụi đất, có khi chỉ còn mỗi hai mắt với cái miệng là không bám bụi. Hành quân liên tục, thời tiết khắc nghiệt, bụi bặm, cả trung đoàn có phần mệt mỏi, thế nhưng, chỉ vừa nhận được mật lệnh của anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp): ”Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, thì bao mệt nhọc, bao bụi phủ kín mặt, kín người dường như tiêu tan hết. Khí thế lên hừng hực, anh em ai cũng muốn nhanh nhanh vào tới mặt trận để “ xốc tới, quyết chiến và toàn thắng”.


Nhân dân Lái Thiêu hân hoan đón bộ đội về giải phóng quê hương.


Mong muốn phải nhanh, lệnh cũng yêu cầu nhanh, nhưng đó lại cũng là thời điểm phải “chậm” trên đường Trường Sơn, bởi tất cả các binh đoàn đều đang hăng hái hành quân vào Nam, khiến con đường luôn trong tình trạng tắc nghẽn. “Lúc đó, Tư lệnh Nguyễn Hoà đã hội ý với đầu mối các đơn vị đang bị ách tắc trên trục đường đó, yêu cầu ưu tiên cho đơn vị chiến đấu chúng tôi trước. Cùng với đó, đơn vị cũng đã tự làm con đường vòng tránh để vượt lên. Nhờ đó, đơn vị chúng tôi đã vào được Đồng Xoài (gần chiến khu D) đúng thời gian quy định là ngày 18/4, sau hơn chục ngày hành quân liên tục”, tướng Hiệu kể.


Vào tới nơi rồi, cũng là lúc thời gian chuẩn bị cho chiến dịch không còn nhiều. Đơn vị đóng quân trong rừng, gấp rút bổ sung đạn dược và huấn luyện cách đánh trong thành phố, phổ biến các điều quy định của quân giải phóng khi vào thành phố như chính sách địch vận, tù hàng binh, vấn đề chiến lợi phẩm… “Tôi còn nhớ, mỗi chiến sĩ được phát một tờ giấy ghi 10 điều quy định của quân giải phóng, đút trong túi và học thuộc lòng để hành động cho đúng. Huấn luyện khẩn trương, đến ngày 24/4 thì chúng tôi từ đó hành quân qua rừng chiến khu Đ vào tập kích ở Bầu Cá Trê, tức là ở Bắc Tân Uyên- Đồng Nai, tập kết ở đó chờ làm nhiệm vụ ngày 26/4”.


Nhiệm vụ của đơn vị tướng Hiệu là nổ súng cùng mặt trận, đánh quân địch phòng ngự ở đường 16 Tân Uyên; sau đó tổ chức toàn bộ đội hình hành quân thần tốc bằng các phương tiện cơ giới như xe tăng, ô tô, đi qua Bình Chuẩn vào Bắc Lái Thiêu, thực hiện mũi thọc sâu từ Bắc Lái Thiêu vào đánh chiếm cầu Vĩnh Bình và chiếm căn cứ Lục quân Công xưởng Gò Vấp (giờ là quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), tạo điều kiện, đồng thời phối hợp với đơn vị bạn đánh những mục tiêu bên trong.


“Đúng chiều 26/4, thì hoả lực của ta bắt đầu nổ súng toàn mặt trận, đến đêm thì chúng tôi bắt đầu xuất kích, cả đội hình trùng trùng điệp điệp tiến tới. Gặp địch cản trên đường, chúng tôi vừa đánh địch vừa bắt tù binh của địch, cho ngồi trên xe để dẫn đường, vì đơn vị không ai biết đường cả, chỉ là đi theo bản đồ. Chúng tôi giao hẹn với tù binh nếu dẫn vào đúng mục tiêu thì sẽ được khoan hồng, còn nếu dẫn sai thì phải xử theo toà án binh. Khi đơn vị vào đến Bắc Lái Thiêu đã là ngày 28/4, đơn vị bạn là Sư đoàn 312 đã bắt đầu đánh Bến Cát. Quân địch ở Bến Cát vỡ trận, chạy hết về Sài Gòn để tử thủ. Cũng trong ngày 28/4 lại xảy ra sự kiện nữa là máy bay ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, nên đội hình của địch đã rối loạn càng thêm rối loạn. Khi đó, chúng tôi nhận được lệnh bỏ tất cả các mục tiêu, tất cả thành một đội hình, theo trục đường 13 đánh thẳng”, tướng Hiệu kể lại.


Lúc đó, đơn vị của Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu mang ký hiệu BK19. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu có mật danh chỉ huy là Phong, Chính uỷ Trung đoàn Trịnh Văn Thư thì mang mật danh Hàm. Và tất cả đều gọi nhau theo những mật danh ấy, không gọi tên thật.


Tuyết Anh (ghi)

Kỳ 2: “Tấm bản đồ má trao”

39 phút cho những khoảnh khắc lịch sử 39 năm
39 phút cho những khoảnh khắc lịch sử 39 năm

“Lúc đó đã gần 10 giờ sáng ngày 30/4, tôi đã quyết định đưa đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe, chở đồng chí cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn”, tướng Hiệu bùi ngùi kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN