Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên đã được Phó Thủ tướng Yury Borisov xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/5. Cụ thể, loại vũ khí laser mới - được đặt tên là Zadira - có tầm bắn 5km.
Tiết lộ được đưa ra khi ông Borisov đang thảo luận về các loại vũ khí tiên tiến đang được phát triển ở Nga. Ông đã so sánh vũ khí mới với Peresvet, một hệ thống laser được Tổng thống Vladimir Putin công bố lần đầu vào năm 2018, mục đích chính xác của loại vũ khí này vẫn chưa được giải thích vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, ông Borisov xác nhận rằng Peresvet được thiết kế để vô hiệu hóa các cảm biến quang học, kể cả trên các vệ tinh do thám quay quanh Trái Đất ở độ cao 1.500 km. Ngoài ra, ông cũng mô tả cách thức hoạt động của vũ khí laser thế hệ mới: “Trong khi Peresvet có thể ‘làm mù’ các vệ tinh do thám, thế hệ vũ khí laser mới có khả năng gây sát thương vật lý cho mục tiêu, sau đó đốt cháy mục tiêu”.
Ông Borisov cho biết các hệ thống vũ khí laser mới đã được bàn giao cho quân đội. Khi được hỏi thêm về việc liệu vũ khí laser chống máy bay không người lái này có được triển khai trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hay không, ông thừa nhận rằng “những mẫu vũ khí laser đầu tiên đã được sử dụng tại cuộc chiến”.
Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí laser có một số nhược điểm. Hiệu ứng khí quyển, đặc biệt là hơi nước và các phần tử khói, sẽ nhanh chóng làm loãng cường độ của tia laser. Tia laser càng truyền đi xa thì lại càng có cường độ yếu hơn. Hơn nữa, tia laser cần phải được chiếu vào tên lửa đang di chuyển nhanh trong thời gian đủ lâu mới có thể phát huy tác dụng. Không giống như tên lửa vốn có đầu đạn nổ mạnh để hạ gục đối phương ngay lập tức, hệ thống vũ khí laser chiếu ra một luồng ánh sáng tập trung làm nóng mục tiêu cho đến khi chúng bị hỏng hóc hay phát nổ. Trong trường hợp này, tốc độ cực nhanh của tên lửa chính là thử thách đối với vũ khí laser, khiến chúng khó có thể bắn các chùm tia laser trong thời gian đủ lâu để đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, loại vũ khí này có lợi thế lớn về chi phí mỗi lần bắn so với tên lửa phòng không truyền thống. Khi công nghệ máy bay không người lái không ngừng tiến bộ, các nhà hoạch định quân sự trên toàn thế giới buộc phải tìm nhiều cách khác nhau để đối phó với mối đe dọa này mà không làm cạn kiệt nguồn dự trữ của họ.
Giới chuyên gia đánh giá rằng Nga đã đạt được tiến bộ đáng kể với vũ khí laser, một loại vũ khí đang được các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc quan tâm, nhưng dường như chưa đạt được đột phá như Moskva.
Trong khi đó, UAV đóng vai trò ngày càng lớn trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại nhờ hiệu quả cao, không gây tổn thất nhân lực và chi phí thấp. Tại Ukraine, lực lượng của cả Nga và Ukraine sử dụng rất nhiều UAV cho các mục đích tấn công và trinh sát.
Mỹ cũng đã thử nghiệm thành công các loại vũ khí laser có thể tiêu diệt tàu thuyền và máy bay không người lái. Vừa qua, các loại drone mô phỏng tên lửa hành trình đã bị hệ thống Phòng thủ Laser Đa tầng ( LLD) của Hải quân Mỹ hạ gục thành công trong một cuộc thử nghiệm, kết quả được công bố tháng 4 vừa qua và được giới chức đánh giá đột phá mang tính lịch sử.