Ukraine phát triển công nghệ mới khắc phục những hạn chế về vũ khí truyền thống

Giữa lúc xung đột với Liên bang Nga căng thẳng, Ukraine đã nâng cấp các UAV tầm xa của mình, tạo ra “tên lửa-drone” để cạnh tranh với tên lửa hành trình hoặc tránh phải yêu cầu thêm vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky giới thiệu về “tên lửa-drone” Peklo (Hell) trên tài khoản mạng xã hội X ngày 6/12/2024. Ảnh chụp màn hình tài khoản mạng xã hội X của Tổng thống Ukraine

Công nghệ mới phía sau các “tên lửa-drone” của Ukraine đang làm mờ ranh giới giữa thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Ukraine đã nâng cấp các thiết bị bay không người lái tầm xa của mình, tạo ra “tên lửa-drone” để cạnh tranh với tên lửa hành trình hoặc tránh phải yêu cầu thêm vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố những kết quả mới nhất, bao gồm video về các tên lửa-drone Peklo và Palianytsia, hiện đã được binh sĩ Ukraine triển khai và cho thấy hiệu quả trên chiến trường.

Dự án “tên lửa-drone” đã trở thành mục tiêu trọng tâm của Tổng thống Ukraine trong năm 2025. Vào tháng 11 vừa qua, ông Zelensky nói trước Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) rằng ông muốn Ukraine sản xuất 30.000 drone tầm xa và 3.000 “tên lửa hành trình hoặc tên lửa-drone” trong năm tới.

Những “tên lửa-drone” này là một thể loại vũ khí mới mà Ukraine đang tiên phong.

Triển khai vũ khí mới để bù đắp cho sự thiếu hụt vũ khí truyền thống không phải là một động thái mới đối với Ukraine.

Giống như việc Ukraine đã triển khai thiế bị bay không người lái để đảm nhận các vai trò truyền thống của không quân, chẳng hạn như giám sát trên không và ném bom chính xác, các tên lửa-drone hiện đang phát triển để thực hiện các chức năng của tên lửa hành trình, loại vũ khí mà Ukraine không sản xuất được.

“Chúng thực sự là bước tiến hóa tiếp theo của các thiết bị bay không người lái cảm tử tầm xa” và “cũng giống như nhiều thứ khác, nhờ vào công nghệ, các ranh giới đang trở nên mờ nhạt”, ông Fabian Hinz, một nghiên cứu viên chuyên về tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh) cho biết.

Trong khi đó, theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Fabian Hoffmann tại dự án hạt nhân của Đại học Oslo, cũng chuyên về tên lửa, “Ukraine thực sự có khả năng phát triển những hệ thống tên lửa nhỏ, khá rẻ, tương đối dễ sản xuất, nhưng vẫn đủ mạnh để tạo ra cú đấm mạnh và phá hủy những mục tiêu có giá trị cao, thậm chí là sâu trong lãnh thổ của kẻ thù”.

Tên lửa-drone là gì?

Trong bài phát biểu ngày 10/12, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky nói rằng: “Tên lửa-drone là sự kết hợp giữa hai khái niệm mà trước đây chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng hôm nay, nó đã trở thành hiện thực”.

Ông Zelensky cho biết thêm tên lửa-drone Palianytsia đã được đưa vào sản xuất trong khi những chiếc tên lửa-drone Peklo đầu tiên đã ra tiền tuyến còn phiên bản tên lửa-drone mới có tên là Ruta thì vừa hoàn thành thử nghiệm.

Các tên lửa-drone này phần lớn là sự tiến hóa từ kho vũ khí drone tầm xa hiện có của Ukraine thành một thứ gì đó giống như tên lửa hành trình cỡ nhỏ. Điểm mấu chốt trong quá trình biến đổi này là tốc độ.

Một số drone tầm xa mà Ukraine sử dụng hiện nay có khả năng bay hàng ngàn km. Tuy nhiên, các mẫu mới này được cải tiến chủ yếu về tốc độ. Palianytsia, Peklo, và Ruta có tốc độ tối đa lần lượt là 500, 700, và 800 km/h.

Xem video Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky giới thiệu về “tên lửa-drone” Peklo (Hell) trên tài khoản mạng xã hội X ngày 6/12/2024. Nguồn: Volodymyr Zelensky/X

Tốc độ tăng lên nhờ động cơ phản lực, cho phép các mẫu tên lửa-drone mới vượt qua tốc độ 200 km/h của động cơ piston được lắp đặt trên hầu hết các thiết bị bay không người lái tầm xa hiện nay. Ngay cả các thiết bị bay không người lái cảm tử tầm xa nổi tiếng như Shahed của Iran cũng chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 300 km/h.

“Khi có một thiết bị bay không người lái hoặc tên lửa hành trình dùng động cơ phản lực, bạn có thể mua động cơ này trên thị trường”, nhà nghiên cứu về tên lửa Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết, đồng thời nói rằng các nhà sản xuất ở Đức, Hà Lan, và Séc là những ứng viên tiềm năng.

Thiết kế và hiệu năng

Động cơ phản lực cần luồng khí nhanh để cung cấp oxy cho nhiên liệu. Các động cơ khác hoạt động chậm hơn hoặc cần chất oxy hóa đi kèm, làm tăng đáng kể trọng lượng của tên lửa.

Về cấu trúc, các tên lửa-drone này gần như giống hệt nhau. Dựa trên các sơ đồ do chính phủ Ukraine công bố, tên lửa-drone Palianytsia nổi bật với các cánh nhỏ lớn hơn, nhằm bù đắp cho lực nâng ít hơn do tốc độ chậm hơn.

Trong khi đó, tên lửa-drone Peklo có động cơ được gắn phía trên, giúp sản xuất dễ dàng hơn nhưng tạo ra diện tích phản xạ radar lớn và đây là một hạn chế đáng kể khi đối đầu với hệ thống phòng không.

Một số mẫu này đã lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường. Peklo và Palianytsia đã gây xôn xao trên mạng xã hội trong các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào hai khu vực của Liên bang Nga là Taganrog và Bryansk.

Một kênh Telegram nổi tiếng của Liên bang Nga xác định mảnh vỡ tại một ngôi làng ở tỉnh Kursk có khả năng là một tên lửa-drone Palianytsia, dựa trên động cơ phản lực của nó. Tuy nhiên, các kênh khác của Nga phủ nhận, cho rằng các cuộc tấn công chỉ sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ sản xuất.

Dù thực tế như thế nào, các tên lửa-drone này đã trở thành biểu tượng mới của Ukraine trong việc sử dụng công nghệ sáng tạo để khắc phục những hạn chế về vũ khí truyền thống.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo The Kyiv Independent)
Bỉ hoãn giao F-16: Thách thức mới cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga
Bỉ hoãn giao F-16: Thách thức mới cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga

Bỉ đã quyết định hoãn kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, với lý do thiếu phi công được đào tạo và phụ tùng thay thế quan trọng. Sự chậm trễ này diễn ra vào thời điểm Ukraine đang cần tăng cường khả năng phòng không để ứng phó với ưu thế trên không của Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN