Theo trang tin quốc phòng Bulgarianmilitary.com mới đây, trong kho vũ khí thời Chiến tranh Lạnh của Nga, ngư lôi VA-111 Shkval đang nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng cho sự hồi sinh trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thiết bị bay không người lái hải quân và phương tiện dưới nước không người lái (UUV) hiện nay.
Shkval là thành quả từ một trong những giai đoạn phát triển quân sự hiệu quả nhất của Liên Xô vào giữa những năm 1970. Dù đó là thời kỳ được gọi là "trì trệ", nhưng các kỹ sư Liên Xô đã cho thấy sự sáng tạo phi thường với những ý tưởng tưởng chừng chỉ có trong khoa học viễn tưởng.
Bước đột phá đến từ đề xuất của Giáo sư Georgy Vladimirovich Logvinovich, chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực thủy động lực học tốc độ cao. Ông đã phát triển lý thuyết siêu khoang ((siêu bọt khí) và đề xuất tạo ra một loại vũ khí dưới nước tốc độ cao hoàn toàn mới dựa trên nguyên lý này.
Siêu bọt khí là hiện tượng thủy động lực học trong đó các bong bóng khí hình thành xung quanh vật thể di chuyển qua chất lỏng với tốc độ cao, làm giảm đáng kể lực cản. Thông thường, bọt khí là nỗi ám ảnh của các kỹ sư vì nó có thể ăn mòn chân vịt kim loại của tàu và phá hủy các hệ thống cơ khí dưới nước. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Logvinovich đã biến "lời nguyền" này thành lợi thế chiến thuật độc đáo.
Quá trình phát triển Shkval kéo dài 15 năm đầy thử thách. Việc thử nghiệm bắt đầu từ năm 1964 tại Hồ Issyk-Kul ở Kyrgyzstan trước khi chuyển sang Biển Đen hai năm sau đó. Đến năm 1972, dự án - lúc đó có tên mã là M4 - suýt bị hủy bỏ do những trục trặc liên tiếp. Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào đầu những năm 1970 khi các kỹ sư nghĩ ra cách xả khí thải nóng của động cơ tên lửa qua đầu ngư lôi. Kết hợp với bộ phận tạo bọt khí, giải pháp này cho phép VA-111 Shkval di chuyển trong một lớp vỏ khí tự tạo.
Về thông số kỹ thuật, Shkval dài 8 mét, có thể đạt tốc độ ấn tượng lên đến 400 km/giờ dưới nước và tấn công mục tiêu cách xa tới 13 km bằng đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. So với ngư lôi hydro peroxide 53-65 của Liên Xô - vốn được coi là vũ khí dưới nước nhanh nhất thời bấy giờ với tốc độ 130 km/giờ - Shkval nhanh hơn gấp ba lần.
Ngư lôi VA-111 Shkval tiêu chuẩn được coi là một thành tựu công nghệ đáng chú ý của Liên Xô với mục tiêu là vô hiệu hóa và tiêu diệt tàu sân bay của đối phương. Để tiêu diệt các dòng chiến hạm có lượng choán nước lớn như tàu sân bay, ngư lôi VA-111 được trang bị đầu đạn hạt nhân 150 Kilotone hoặc đầu đạn thông thường cỡ lớn. Thời điểm ngư lôi VA-111 được đưa vào trang bị năm 1977, Mỹ và phương Tây không có loại vũ khí hải quân tính năng tương đương.
Tuy nhiên, vũ khí này cũng tồn tại những nhược điểm đáng kể. Tầm bắn hạn chế, khả năng cơ động kém và đặc biệt là tiếng ồn cực lớn khiến nó dễ bị phát hiện và trở thành gánh nặng cho tàu ngầm phóng. Những yếu tố này khiến việc triển khai Shkval, đặc biệt là phiên bản đầu đạn thông thường được đưa vào sử dụng đầu những năm 1990, trở thành một vấn đề có rủi ro cao.
Dù vậy, trong bối cảnh chiến tranh hải quân không người lái đang phát triển nhanh chóng và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, VA-111 Shkval có thể được hồi sinh với vai trò mới. Thay vì là mối đe dọa cho chính nguồn phóng, nó có thể trở thành vũ khí hiệu quả chống lại lực lượng đối phương. Nga đã nhiều lần chứng minh khả năng khôi phục, cải tiến và triển khai các thiết kế thời Liên Xô để đáp ứng nhu cầu tác chiến hiện đại.
Các nhà phân tích quốc phòng Nga gần đây đã đưa ra những dự báo về việc VA-111 Shkval đang được cải tiến. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga trước đó, phiên bản nâng cấp của ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval sẽ được phát triển trong khuôn khổ chương trình mua sắm vũ khí quốc gia giai đoạn 2018-2025. Dù điều này có chính xác hay không vẫn còn phải chờ thời gian chứng minh, nhưng một điều chắc chắn là Nga không chỉ có kho dự trữ các bản thiết kế cũ mà còn có khả năng hiện thực hóa chúng - dù là do yêu cầu của tình hình hay đơn giản vì thiếu kinh phí phát triển các thiết kế hoàn toàn mới.