Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN |
Thống kê của SIPRI cho thấy tính đến thời điểm đầu năm nay, 9 nước gồm Anh, Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga, Pháp, Pakistan, Triều Tiên, Trung Quốc có 14.456 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 3.750 đầu đạn đã được triển khai. Nếu so với 14.935 đầu đạn của cùng kỳ năm 2017, kho vũ khí hạt nhân của các nước trên đã giảm rất nhiều, chủ yếu do Mỹ và Nga cắt giảm kho vũ khí như đã cam kết trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) ký năm 2010.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các nước trên đều có chương trình hiện đại hóa số vũ khí hạt nhân. Không chỉ Mỹ và Nga - hai nước chiếm tới hơn 92% tổng số đầu đạn, có chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong dài hạn mà ngay cả Anh (với 215 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn), Trung Quốc (280 đầu đạn), Ấn Độ (từ 130-140 đầu đạn), Pakistan (140-150 đầu đạn), Israel (80 đầu đạn), Triều Tiên (10-20 đầu đạn) cũng đang triển khai hoặc đang lên kế hoạch triển khai hệ thống vũ khí hạt nhân mới. Trên thực tế, Triều Tiên đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của nước này khi đã thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo tầm xa kiểu mới.
Do đó, theo người đứng đầu SIPRI Jan Eliasson, thế giới cần có cam kết rõ ràng từ các quốc gia sở hữu hạt nhân đối với một tiến trình hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý hướng đến giải giáp hạt nhân.