Kế hoạch dự kiến nằm trong ngân sách năm tài chính 2024 khởi động từ tháng 8 năm nay.
Dẫn thông cáo báo chí từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đài Sputnik đưa tin quốc gia châu Á này đang lo ngại về chi phí leo thang liên quan đến việc bảo trì các thiết bị quân sự. Để giải quyết vấn đề này, họ buộc phải tìm cách tăng cường hợp tác với các quốc gia đồng minh để cắt giảm các chi phí.
Bên cạnh đó, tổ hợp công nghiệp quân sự của Nhật Bản, bao gồm hơn 9.000 công ty tham gia sản xuất xe tăng, máy bay và tàu chiến, sẽ được hưởng lợi từ triển vọng xuất khẩu gia tăng. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu hàng hóa quân sự, trao quyền cho các công ty công nghiệp quốc phòng tạo doanh thu thông qua bán hàng quốc tế.
Tuy nhiên, trong kế hoạch tiêu chuẩn hoá vũ khí của Nhật Bản vẫn cần có một vài điểm đáng lưu tâm.
Trong lĩnh vực quân sự, các quốc gia đồng minh đang xây dựng con đường hướng tới thống nhất trình độ chiến đấu thông qua việc tiêu chuẩn hóa thiết bị, vũ khí và đạn dược. Nỗ lực phối hợp này nhằm tăng cường việc tham gia chung trong các hoạt động quân sự bằng cách đơn giản hóa các mặt hậu cần quân sự, một yếu tố tối quan trọng trong bối cảnh xảy ra chiến tranh.
Tiêu chuẩn hóa vũ khí là chìa khóa trong lịch sử quân sự. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ lâu đã thiết lập tiêu chuẩn hiện hành cho vũ khí, đạn dược và phụ tùng thay thế nhằm đảm bảo sự tham gia liền mạch của các nước thành viên Hiệp ước Warsaw trong các cuộc xung đột thời Chiến tranh Lạnh.
Lịch sử quân sự của Nhật Bản cũng chứng kiến những lần tiêu chuẩn hóa, khi các quốc gia đồng minh trang bị vũ khí của Nhật Bản, bao gồm súng trường Type 38, súng máy Type 3 và Type 11, súng cối Type 10 và súng dã chiến Type 38.
Về bản chất, việc tiêu chuẩn hóa vũ khí phục vụ các mục tiêu thời chiến, tạo điều kiện hợp nhất các lực lượng đồng minh dưới một cấu trúc thống nhất. Do đó, với thời điểm hiện tại, nếu Bộ Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ ý định liên kết vũ khí và thiết bị của mình với các tiêu chuẩn của phương Tây, cụ thể ở đây là NATO, thì điều đó có khả năng nước này thể hiện mong muốn hội nhập vào khối quân sự và tham gia vào các cuộc xung đột trong tương lai.
Với việc tiêu chuẩn hoá, Nhật Bản có tiềm năng trở thành một nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm quân sự mà không nhất thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn của NATO. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp quân sự đáp ứng yêu cầu của khách hàng khi sản xuất các sản phẩm quân sự, bao gồm đạn dược, phụ tùng thay thế, dịch vụ và hỗ trợ.
Tuy nhiên, một trong những thách thức mà các nhà sản xuất vũ khí Nhật Bản gặp phải là xuất hiện nghi ngờ liên quan đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí và thiết bị Nhật Bản. Quốc gia châu Á này không tham gia chiến tranh kể từ năm 1945 và thiếu thực nghiệm chiến đấu trong hơn 70 năm. Vấn đề chính ở đây là sự mơ hồ liệu vũ khí và thiết bị quân sự của Nhật Bản có thể đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại hay không.
Trong 70 năm qua, Mỹ và Nga là hai cường quốc thống trị thị trường xuất khẩu vũ khí. Vũ khí của hai nước này đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột toàn cầu. Các tình huống chiến đấu thực sự ở Ukraine đang đóng vai trò là nơi thử nghiệm, cho thấy những hạn chế của công nghệ phương Tây. Nếu Nhật Bản thiếu kinh nghiệm chiến đấu và tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào các mô hình phương Tây thì vị thế của nước này trên thị trường vũ khí toàn cầu có thể sẽ bị suy yếu.
Không chỉ vậy, nếu như Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO và đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm quân sự đa dạng trong liên minh thì chắc chắn không trực tiếp thì gián tiếp, Nhật Bản sẽ tham gia vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Việc Nhật Bản hội nhập vào cấu trúc quân sự của NATO, được đánh dấu bằng việc từ bỏ chính sách tự vệ, sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho nước này.