Theo kênh CNN, IAF đưa ra bản báo cáo trên tại một ủy ban quốc hội và ủy ban này đã đăng nó trên trang web chính thức vào ngày 21/3.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của IAF cho biết kế hoạch giao lô hàng lớn vũ khí trong năm nay của Nga sẽ không diễn ra theo cam kết.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Đại sứ quán Nga tại New Delhi cho biết: "Chúng tôi không nắm được thông tin nào có thể xác nhận vấn đề đó”.
Rosoboronexport, cơ quan xuất khẩu vũ khí của chính phủ Nga, cũng từ chối bình luận về thông tin này.
Báo cáo của IAF cũng không đề cập cụ thể đến loại vũ khí nào đang bị chuyển giao chậm trễ.
Được biết, đơn hàng lớn nhất hiện nay giữa Nga và Ấn Độ là 5 hệ thống phòng không S-400 Triumf. Hai bên đã ký hợp đồng này vào năm 2018 với giá trị 5,4 tỷ USD. Ấn Độ đã nhận được 3 hệ thống S-400 và đang chờ đợi số còn lại.
IAF cũng phụ thuộc vào Nga về nguồn phụ tùng thay thế cho các máy bay chiến đấu Su-30MKI và MiG-29.
Trước đó, Ủy ban Nghị viện của Ấn Độ đã được thông báo rằng cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, đến mức họ phải cắt giảm gần một phần ba chi phí dự kiến cho việc hiện đại hóa thiết bị quân sự.
IAF từng dự kiến chi tiêu 10,38 tỷ USD cho tài khóa 2022-2023, nhưng đã giảm xuống còn 7,15 tỷ USD trong phần ngân sách quốc gia được công bố hồi tháng 2.
Nga, trước đó là Liên Xô cũ, là nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng chính của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, thị trường vũ khí Nga chiếm 8,5 tỷ USD trong số 18,3 tỷ USD mà Ấn Độ đã chi tiêu để mua khí tài kể từ năm 2017.
Năm 2022, Ấn Độ quyết định hủy kế hoạch mua 48 trực thăng Mi-17 V5 của Nga để hỗ trợ sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" của chính phủ.