Tương tự các vũ khí của Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), các tàu ngầm của lực lượng này phần lớn đã lỗi thời và không cân xứng với vũ khí của Hàn Quốc. Dù vậy, đội tàu ngầm cũ kĩ đó vẫn là thách thức đáng gờm trong kịch bản thời chiến.
Tờ Insider trích dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Bình Nhưỡng đang điều hành một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, khoảng 70 tàu ngầm tấn công, hạng trung và ven biển.
Chúng bao gồm 40 tàu ngầm ven biển lớp Sang-O và Sang-O II, 20 tàu ngầm lớp Romeo và 20 tàu ngầm mini lớp Yugo và Yono. Ngoài ra, KPA còn sở hữu một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Gorae.
Triều Tiên cũng được cho là đang phát triển một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới có khả năng chở 3 tên lửa đạn đạo.
Mối đe dọa từ tàu ngầm của Triều Tiên không xuất phát từ khả năng riêng lẻ từng chiến hạm tàu mà từ năng lực tổng thể của toàn hạm đội. Và trong trường hợp xảy ra xung đột, Triều Tiên có thể sẽ sử dụng chiến thuật bao vây bằng đội hình tàu ngầm đông đảo.
Khi đó, Bình Nhưỡng có thể điều động tàu ngầm đến những cảng lớn của Hàn Quốc và sử dụng chúng để gây cản trở hoạt động hàng hải hoặc thả mìn và ngư lôi để tấn công các tàu mặt nước.
Mặt khác, mối đe dọa từ các tàu ngầm của Triều Tiên còn được kết hợp bởi đặc điểm môi trường ở vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là ở Biển Hoa Đông, khiến chiến tranh chống tàu ngầm (ASW) trở nên khó khăn.
Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện các bước để cải thiện khả năng ASW của họ, trong khi Hàn Quốc cũng đang tìm cách mua thêm các nền tảng ASW. Các tàu ngầm của Triều Tiên cũng có khả năng được sử dụng làm phương tiện xâm nhập vào Hàn Quốc.
Trước đây, Triều Tiên từng sử dụng thành công tàu ngầm để đánh chìm tàu Hải quân Hàn Quốc. Năm 2010, một quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm Triều Tiên đã đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hải quân Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.
Những nguy cơ do tàu ngầm Triều Tiên gây ra, như là công cụ gây hấn trên biển ở mức, đã khiến một số nhà phân tích ủng hộ chính sách tập trung mới của liên minh Mỹ - Hàn Quốc trong việc tăng cường khả năng răn đe trên biển và sự chuẩn bị sẵn sàng cho hải chiến.