Theo tờ Jerusalem Post (Israel), mối đe dọa tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) mà Israel phải đối mặt trong năm qua trên nhiều mặt trận, đang được xử lý bằng một loạt các hệ thống phòng thủ khác nhau, có liên kết với nhau.
Mạng lưới này dựa trên hệ thống phòng thủ nhiều lớp đã được phát triển trong những năm gần đây với khoản đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ. Hiện Israel đang chuẩn bị bổ sung cho hệ thống phòng thủ này một loại vũ khí đột phá mới - Iron Beam, hệ thống đánh chặn bằng tia laser được đánh giá là mạnh nhất thế giới hiện nay.
Mới đây, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Israel Eyal Zamir đã ký kết thỏa thuận trị giá 2 tỷ NIS (khoảng 540 triệu USD) để đẩy mạnh sản xuất hàng loạt hệ thống này. Theo đó, công ty Elbit Systems Ltd. nhận được hợp đồng 200 triệu USD để cung cấp tia laser, trong khi Rafael Advanced Defense Systems sẽ phụ trách phần bệ phóng.
Iron Beam là hệ thống laser mặt đất được phát triển để phòng thủ chống lại nhiều loại mối đe dọa trên không như tên lửa, bom, UAV và tên lửa hành trình. Dự án này do Cục Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DDR&D) của Bộ Quốc phòng Israel chủ trì, phối hợp cùng Rafael và Elbit.
Điểm nổi bật của Iron Beam là công suất chùm tia laser lên tới 100 kilowatt - mạnh nhất trong các hệ thống tương tự trên thế giới. Với tầm hoạt động 10km, Iron Beam được thiết kế để bổ sung cho hệ thống phòng không Iron Dome vốn có tầm bắn xa hơn (40km).
Một trong những ưu điểm vượt trội của Iron Beam là chi phí đánh chặn cực kỳ thấp. Trong khi mỗi lần phóng đánh chặn của Iron Dome tốn khoảng 30.000 USD, các hệ thống laser tương tự chỉ tốn từ 1,5 USD (Block I của Hàn Quốc, công suất 20 kilowatt) đến 13 USD (DragonFire của Anh, công suất 50 kilowatt) cho mỗi lần đánh chặn.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Israel chưa công bố chi phí cụ thể cho mỗi lần đánh chặn của Iron Beam, nhưng với công suất gấp đôi DragonFire, dự kiến con số này sẽ cao hơn nhưng vẫn tiết kiệm đáng kể so với Iron Dome.
Theo kế hoạch, Iron Beam sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2025, như thông báo từ Rafael. Tuy nhiên, ông Zamir cho biết hệ thống có thể sẽ được triển khai sớm hơn, trong vòng một năm tới.
Đối với các công ty tham gia dự án, Iron Beam mang lại cơ hội kinh doanh đáng kể. Elbit - công ty hàng đầu về công nghệ laser - sẽ mở rộng được danh mục sản phẩm. Trong khi đó, mặc dù có thể bán ít đạn/tên lửa đánh chặn Iron Dome hơn, Rafael vẫn được dự báo sẽ tăng doanh thu nhờ giá trị cao của mỗi bệ phóng Iron Beam.
Việc Israel triển khai hệ thống này trong điều kiện xung đột thực tế sẽ tạo ra một "đặc quyền" độc đáo, giúp chứng minh hiệu quả của công nghệ và mở ra cơ hội xuất khẩu cho các công ty quốc phòng Israel trong tương lai.
Tuy nhiên, đánh chặn bằng laser có một số nhược điểm, đầu tiên là thời tiết nhiều mây, sương mù sẽ hạn chế hoạt động của vũ khí. "Một nhược điểm khác của laser là khí quyển hấp thụ khoảng 30-40% laser, do đó, từ phạm vi 5-8 km, hiệu quả giảm đi", Tiến sĩ Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) và là chuyên gia về công nghệ laser, quang điện tử và cảm biến giải thích.