Hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami cho biết Tehran và một số quốc gia đã tiến hành các cuộc đàm phán về vấn đề trao đổi vũ khí để bán và cung ứng một số nhu cầu. Bộ trưởng Hatami nhấn mạnh Iran sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Cũng theo ông Hatami, phần lớn vũ khí phục vụ quốc phòng của Iran được sản xuất trong nước và nước này sẽ chủ yếu bán vũ khí. Ông cho biết Tehran đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong sản xuất vũ khí cho lực lượng bộ binh, pháo binh, tàu quân sự, tàu ngầm và đặc biệt là công nghệ bay không người lái.
Lệnh cấm vận bán vũ khí thông thường cho Iran bắt đầu hết hiệu lực dần từ ngày 18/10, theo các điều khoản của nghị quyết LHQ trong đó xác nhận thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của Mỹ vẫn tiếp tục được áp dụng đối với Tehran.
Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức). Theo thỏa thuận, Iran thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí 5 năm sau khi thỏa thuận trên được thông qua. Mỹ đã rút khỏi JCPOA năm 2018 và đơn phương áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Trong năm nay, Mỹ đã cố gắng vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, bao gồm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, song tất cả các dự thảo nghị quyết do Washington đưa ra đều bị bác bỏ.
Dù lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Iran đã hết hiệu lực nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn cảnh báo mọi hành động bán vũ khí cho Iran sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) và phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt.