"Godzilla đang đến!". Đó không phải là một tiêu đề vui, Godzilla thực sự sẽ đến Nhật Bản. Nhưng đó không phải là quái vật điện ảnh mà tất cả chúng ta đều biết và yêu thích.
Trên thực tế, đây là biệt danh của chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu Mitsubishi F-X đang được Nhật Bản phát triển trong nước với chi phí dự kiến khoảng 5 nghìn tỷ yen (khoảng 48 tỷ USD).
Theo trang Interesting Enginering, dự án Godzilla nhằm duy trì và giữ vững vị thế của Nhật Bản trong một khu vực thách thức, nơi Nga và Trung Quốc đều đã sở hữu những tài sản hàng không tân tiến.
Là quốc gia có công nghệ tiên tiến và đổi mới, nhưng Nhật Bản đã không dẫn đầu việc phát triển bất kỳ loại máy bay chiến đấu mới trong nước nào trong khoảng 40 năm qua. Vì lý do này, Tokyo rất quan tâm đến hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ và Anh.
Theo một bản tin của Nikkei, “vào tháng 11/2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thu hẹp các ứng cử viên đối tác tiềm năng xuống chỉ còn Lockheed và Boeing của Mỹ và BAE Systems của Anh. Ba tập đoàn này được xem xét trong ba lĩnh vực - khả năng tích hợp hệ thống như radar và tên lửa, khả năng tàng hình, cơ động cao, và công nghệ phát triển hiệu quả ”.
Chương trình nghiên cứu và phát triển quốc tế sẽ cung cấp cho máy bay chiến đấu Nhật Bản một số chức năng tương tác thú vị với các lực lượng đồng minh. Về lý thuyết, máy bay chiến đấu mới sẽ có thể chia sẻ dữ liệu với các máy bay Mỹ, như F-22 và F-35, giúp các hoạt động phối hợp chung trở nên ăn ý.
"Quái vật Godzilla"
Hiện tại, chưa rõ chính xác hình thức chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 6 của Nhật Bản, nhưng một số chuyên gia đã dự đoán nó có thể trông giống, nhưng lớn hơn chiếc F-22, mang lại cho nó biệt danh “Godzilla”.
Những gì được biết là chiếc Misubishi F-X này sẽ đi kèm với các bảng điều khiển được kích hoạt điện tử. Để giúp né radar đối phương, không gian bên trong khung máy bay sẽ chật, vì thế các hệ thống thủy lực thông thường sẽ được sử dụng một cách hạn chế.
Các công nghệ tiên tiến bao gồm khả năng điều khiển máy bay không người lái từ xa, màn hình gắn trên mũ kiểu VR (thực tế tăng cường), một radar có thể đóng vai trò như vũ khí vi sóng để phá huỷ tên lửa đối phương và cửa hút khí ngoằn ngoèo để giúp giảm tiết diện radar và dấu hiệu nhiệt của nó.
F-X có thể cũng sẽ được trang bị các tấm chắn nhiệt và cấu trúc ngoại quan tích hợp, nhiều khả năng làm bằng vật liệu composite. Điều này sẽ giúp giảm trọng lượng tổng thể của máy bay, cho phép F-X có phạm vi hoạt động mở rộng hơn và mang lại cho Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) khả năng linh hoạt rất cần thiết giữa các căn cứ không quân mà chiếc "Godzilla" F-X sẽ hoạt động.
Xem video máy bay Mitsubishi ATD-X Shinshin của Nhật Bản - mẫu thử nghiệm tiêm kích phản lực thế hệ 5 sử dụng công nghệ tàng hình tiên tiến (Nguồn: YouTube)
Động cơ phản lực mới
Về động cơ đẩy của máy bay, một trong những công ty chính tham gia vào dự án, IHI Corporation, từ năm 2018 đã thử nghiệm động cơ phản lực mới: động cơ phản lực cánh quạt thấp XF9-1.
Động cơ này bao gồm một số vật liệu “kỳ lạ” giúp giảm trọng lượng đồng thời tăng khả năng chịu nhiệt của động cơ lên tới 1.800 độ C. XF9-1 được cho là có khả năng tạo ra lực đẩy khoảng 16,5 tấn với bộ đốt sau.
Các kỹ sư Nhật Bản cũng đang thử thách các vòi phun tạo lực đẩy cho động cơ XF9-1, và nếu thành công, nó có thể cung cấp cho F-X khả năng cơ động ấn tượng. Các máy bay chiến đấu J-10 và J-20 của Trung Quốc cũng có khả năng này.
Công nghệ radar kiêm vũ khí phòng thủ vi sóng
Các thành viên khác trong nhóm của dự án, bao gồm Toshiba và Fujitsu, sẽ dẫn đầu trong việc phát triển hệ thống radar công nghệ “Active Electronically Scanning Array” (AESA) được gọi là Gallium-Nitride của chiếc F-X.
Công nghệ này còn có chức năng như một hệ thống phòng thủ vi sóng cho máy bay khi đối mặt với các tên lửa đối phương đang phóng tới.
Chiếc máy bay chiến đấu hai động cơ cũng có thể được trang bị hệ thống “Kiểm soát hỏa lực tích hợp cho máy bay chiến đấu” (IFCF) có thể cho phép máy bay chiến đấu Nhật Bản (và có thể cả Mỹ) kết hợp các cảm biến vào khả năng nhắm mục tiêu tên lửa/
Ngoài ra, F-X cũng sẽ có thể điều khiển tối đa ba máy bay không người lái, hoặc “Máy bay không người lái Hỗ trợ Chiến đấu” (CSUA).
Hãng Lockheed Martin có thể sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Mitsubishi trong việc phát triển khung máy bay của F-X và giúp tích hợp hệ thống. Để chiếc máy bay có khả năng tàng hình thực sự, thiết kế của khung máy bay và các vật liệu hấp thụ sóng radar sẽ rất quan trọng.
Khả năng chiến đấu
Chiếc tiêm kích mới của Nhật Bản có thể sẽ được sử dụng như một máy bay chiến đấu đa năng, có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền, trên biển cũng như trên không. Nó sẽ duy trì tính năng tàng hình cả khi ngắt kết nối mạng để tiếp tục hoạt động ngay cả khi bị nhiễu sóng điện từ.
Godzilla có thể cũng sẽ có khả năng mang theo ít nhất sáu loại vũ khí tích hợp bên trong, bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất và tên lửa chống hạm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói với các phóng viên rằng “Godzilla” F-X sẽ phải mang nhiều tên lửa không đối đất hơn so với tiêm kích tàng hình F-35. “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh các chức năng mạng và yêu cầu hiệu suất tàng hình cao. Nó sẽ mang nhiều tên lửa hơn F-35”, ông Kono nói.
Nhật Bản hy vọng ban đầu sẽ chế tạo khoảng 90 chiếc máy bay chiến đấu F-X, thay thế những chiếc F-2 đã có tuổi.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, chính phủ Nhật Bản dự định tạo ra một loại máy bay phản lực tàng hình đa năng tiên tiến, kết hợp những gì tốt nhất của cả hai loại tiêm kích tiên tiến - khung máy bay của F-22, với các cảm biến và thiết bị điện tử của F-35. Nhưng đây dường như là một thách thức lớn.
Chưa kể đó còn là một nỗ lực tốn kém. Viện Chính sách Chiến lược Australia đã ước tính chi phí chế tạo Godzilla F-X lên tới 170 triệu USD / chiếc. Nhật Bản giải thích mức chi phí này là do họ muốn toàn quyền kiểm soát cấu hình. Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu tiếp theo của Mỹ có thể sẽ không có sẵn để xuất khẩu và Nhật Bản cần một thiết kế có thể không phù hợp với các nước khác.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch tham vọng là sản xuất một nguyên mẫu “Godzilla” vào khoảng năm 2024, với chuyến bay đầu tiên vào năm 2028. Chiếc F-X cũng được hy vọng sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2031 và đi vào hoạt động với hạn chót là 2035.