Vấn đề này đang gây tranh cãi ở Seoul sau khi ông Chung Eui-yong cho rằng về mặt kỹ thuật, Triều Tiên khó có thể bắn ICBM từ TEL. Tuyên bố trên đi ngược lại đánh giá trước đó của người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hwan.
Trong cuộc họp đánh giá của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc hồi đầu tháng, ông Kim Yong-hwan cho rằng công nghệ ICBM của Triều Tiên "đã được nâng lên cấp độ mà tên lửa có thể được phóng từ TEL".
Tên lửa được phóng từ TEL ẩn chứa mối đe dọa lớn hơn do chúng có thể di chuyển tự do và khó phát hiện. Trong 3 lần thử nghiệm ICBM vào năm 2017, trong đó có hai lần sử dụng tên lửa Hwasong-14 và một lần sử dụng tên lửa Hwasong-15, Triều Tiên đã sử dụng TEL để vận chuyển tên lửa tầm xa tới bãi phóng, rồi bắn chúng từ các bệ phóng cố định.
Ankit Panda, một nhà nghiên cứu tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, cho rằng Triều Tiên làm vậy để bảo vệ các thiết bị trong vụ thử, song khi xảy ra xung đột thực sự, Triều Tiên có thể sử dụng TEL phóng ICBM.
Theo Các Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, tên lửa liên lục địa Hwasong-14, với tầm bắn khoảng 10.000 km, có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Trong khi đó, tên lửa Hwasong-15 với tầm bắn trên 12.000 km, có thể vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.