'Cá mập hạt nhân’ - tàu ngầm nguyên tử lớn nhất thế giới của Nga

Các tàu ngầm "Cá mập hạt nhân" đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm kể từ khi ra đời. Nguyên nhân chủ yếu là do kích thước kỷ lục của chúng, cũng như hình dạng bên ngoài làm nảy sinh suy đoán về cấu trúc bên trong vốn từ lâu vẫn là một bí ẩn.

Chú thích ảnh
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Akula nhô lên ở Biển Barents, thuộc vùng biển Bắc Cực của Nga trong ảnh chụp năm 2001. Ảnh: Sputnik 

Vào ngày 23/9/1980, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Đề án 941 lớp Akula (có nghĩa là "Cá mập") đã được hạ thủy từ cảng Severodvinsk của Nga.

Những con tàu thuộc Đề án 941 đã trở thành những tàu ngầm lớn nhất thế giới về trọng tải (23.200 tấn khi nổi và 48.000 tấn khi lặn), và kích thước khổng lồ của chúng là một điều cần thiết chứ không phải chỉ nhằm đáp ứng một tuyên bố nào đó.

Theo đài Sputnik, tàu ngầm Akula, được thiết kế để đối phó với tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ, được trang bị 20 tên lửa đạn đạo R-39. Những tên lửa này, mặc dù có tầm bắn xa hơn và tải trọng lớn hơn so với tên lửa Trident-1 được trang bị cho tàu ngầm Ohio, nhưng cũng lớn hơn và nặng hơn nhiều so với Trident, do đó cần phải có nền tảng chuyên chở lớn hơn.

Dài gần 173 mét và rộng 23,3m, tàu ngầm Akula bao gồm năm khoang có thể chứa thủy thủ, mỗi khoang được bao bọc trong lớp vỏ ngoài của riêng nó (và đương nhiên tất cả đều nằm trong lớp vỏ ngoài chính của tàu) - một cấu trúc đảm bảo khả năng sống sót của tàu ngầm.

Bên cạnh 20 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-39 (mỗi tên lửa mang tới 10 đầu đạn nhiệt hạch MIRV), tàu còn được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533mm có khả năng phóng ngư lôi và tên lửa chống ngầm.

Thiết kế của Akula cho phép tàu ngầm xuyên qua lớp băng dày tới 2,5m trong khi nổi lên mà không bị hư hại.

Kích thước và khối lượng của tên lửa R-39 (dài 16 mét và nặng 84 tấn mỗi tên lửa) đã thúc đẩy việc chế tạo những cần cẩu đặc biệt có khả năng nâng những vũ khí này và đưa chúng lên tàu ngầm.

Tàu vận tải đặc biệt Alexander Brykin được trang bị cần cẩu tải 125 tấn cũng đã được chế tạo. Con tàu này có thể nạp lại bệ phóng tên lửa của Akula trên biển, trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, khi khả năng phá hủy các cơ sở tải hàng tại cảng là rất cao.

Tuy nhiên, năm 2023, Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga cuối cùng đã cho ngừng hoạt động tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Akula cuối cùng, có tên "Dmitry Donskoy" (TK-208). Đây là một trong sáu chiếc tàu ngầm hạt nhân Đề án 941 Akula, và là chiếc lớn nhất từng được chế tạo.

Dmitry Donskoy là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược đầu tiên của Đề án 941 Akula (được NATO định danh là lớp Typhoon), và cũng là chiếc còn hoạt động lâu nhất.

Sau khi "nghỉ hưu", tàu được xử lý tại căn cứ hải quân ở Severodvinsk cùng với hai tàu ngầm khác của đề án – Arkhangelsk và Severstal. Hai lò phản ứng hạt nhân được tháo dỡ trước, tiếp đến là phần còn lại của cơ sở hạt nhân, sau đó là cấu trúc thép bị loại bỏ.

Các tàu ngầm hạt nhân của Đề án 941 đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm kể từ khi ra đời. Nguyên nhân chủ yếu là do kích thước không gì sánh kịp của chúng, trở thành lý do để được ghi vào “Sách kỷ lục Guinness”, cũng như hình dạng bên ngoài làm nảy sinh suy đoán về cấu trúc bên trong vốn từ lâu vẫn là một bí ẩn.

Cấu trúc lớp Akula bao gồm hai thân tàu áp suất chính song song và các mô-đun riêng biệt được sắp xếp phía trên chúng: chỉ huy, ngư lôi và đuôi tàu. Một bộ 20 bệ phóng tên lửa được sắp xếp giữa các thân tàu chính. Toàn bộ cấu trúc được bao quanh bởi một lớp vỏ ngoài thủy động lực học. Sự sắp xếp này khiến chúng trở thành tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo. Con tàu Dmitry Donskoy có kích thước 170m x 23,3 mét và lượng giãn nước khi lặn là 48.000 tấn, lớn hơn hầu hết các thiết giáp hạm trong Thế chiến II.

Tàu ngầm Dmitry Donskoy được hạ thủy vào ngày 29/9/1980. Năm tàu ​​ngầm khác cùng loại cũng được chế tạo, nhưng chiếc thứ bảy không được hoàn thành vì lý do tài chính và chính trị - cả hai đều liên quan đến sự sụp đổ của Liên Xô cũ. Năm 2002, Dmitry Donskoy đã trải qua quá trình hiện đại hóa theo Đề án 941UM, sau đó tham gia thử nghiệm hệ thống tên lửa Bulava.

Các lãnh đạo cấp cao của Liên Xô và Nga, bao gồm cả cựu lãnh đạo Gorbachev và Tổng thống Putin đều từng xuất hiện trên tàu Akula Đề án 941. Năm 2017, Dmitry Donskoy cùng với tàu tuần dương hạng nặng Petr Velikiy, Đề án 11442, đã đi từ căn cứ Hạm đội Phương Bắc đến Baltic để tham gia lễ kỷ niệm "Cuộc diễu hành Hạm đội" tại Kronstadt.

Tàu ngầm "Cá mập hạt nhân" cuối cùng đã đi vào lịch sử. Ngày nay, tàu ngầm lớn nhất thế giới là BS-329 Belgorod, một tàu chuyên dụng chở ngư lôi hạt nhân 2M39 Poseidon.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik, N.I)
Điểm đặc biệt của tàu ngầm lớp Virginia mới nhất thuộc Hải quân Mỹ
Điểm đặc biệt của tàu ngầm lớp Virginia mới nhất thuộc Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ đã tạo nên lịch sử vào ngày 14/9 khi đưa vào hoạt động tàu ngầm hỗn hợp đầu tiên mà thuỷ thủ đoàn bao gồm cả nam và nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN