Theo các nguồn tin trên, hai máy bay vận tải quân sự của Ai Cập đã đến sân bay Mogadishu của Somalia vào ngày 27/8, chở nhiều vũ khí, đạn dược và khoảng 300 lính biệt kích từ một đơn vị lực lượng đặc nhiệm của quân đội Ai Cập. Các binh sĩ Ai Cập sẽ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và trang bị cho các đơn vị quân đội Somalia cũng như giúp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Somalia. Các quan chức an ninh yêu cầu giấu tên cho biết, trong thời gian từ ngày 27/8 đến tối 29/8, tổng cộng 8 máy bay vận tải của Ai Cập đã hạ cánh xuống sân bay Mogadishu, mang theo nhiều vũ khí và thiết bị quân sự. Số lính biệt kích Ai Cập hiện có mặt tại Somalia đã lên tới 1.000 người.
Theo các quan chức này, Ai Cập sẽ gửi thêm nhiều chuyến hàng thiết bị quốc phòng do nước này sản xuất tới Somalia trong nay mai, bao gồm xe bọc thép, bệ phóng tên lửa, pháo, tên lửa chống tăng, radar và thiết bị bay không người lái. Một số thiết bị trong số này sẽ được vận chuyển bằng đường bộ từ một cơ sở quân sự của Ai Cập ở Djibouti.
Động thái mới nhất của Cairo đã gây ra phản ứng giận dữ từ Ethiopia, nước láng giềng và là đối thủ của Somalia. Ethiopia cũng đang bất đồng sâu sắc với Ai Cập liên quan đến vấn đề quản lý và vận hành Đập thủy điện Đại phục hưng do Ethiopia xây dựng trên nhánh Nile Xanh. Ethiopia cảnh báo nước này sẽ để các thế lực khác làm mất ổn định ở vùng Sừng châu Phi.
Kể từ tháng 1/2024, căng thẳng đã gia tăng ở vùng Sừng châu Phi sau khi Somaliland - ly khai khỏi Somalia nhưng không được công nhận, đã đồng ý cho Ethiopia thuê 20 km bờ biển trong 50 năm. Ethiopia, quốc gia không giáp với biển, muốn thiết lập một căn cứ hải quân và một cảng thương mại ven Biển Đỏ. Thỏa thuận thuê bờ biển đã gây ra những căng thẳng giữa Ethiopia và Somalia, hai quốc gia vốn trải qua hai cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. Somalia gọi thỏa thuận này là cuộc tấn công vào chủ quyền của mình và tuyên bố sẽ ngăn chặn bằng mọi biện pháp cần thiết.