Thảm sát ở Palawan-Kỳ cuối: Vụ thảm sát qua lời kể nhân chứng

Tháng 4/1945, các lực lượng Mỹ và Philíppin giải phóng Palawan khỏi tay phát xít Nhật. Palawan bước sang một trang mới nhưng với những tù binh may mắn thoát chết sau vụ thảm sát bằng xăng và lựu đạn thì hình ảnh về thiên đường Palawan xinh đẹp hôm nay không thể giúp họ xóa đi những ký ức khủng khiếp về chốn địa ngục năm nào.


 

Khai quật tử thi các tù binh Mỹ trong vụ thảm sát Palawan.

 

Eugene Nielson - một trong những người sống sót - thuộc đơn vị pháo bờ biển số 59 kể lại: "Từ một vị trí ẩn nấp trên bãi biển, tôi trông thấy một nhóm tù binh Mỹ bị mắc kẹt dưới chân vách đá. Họ chạy ngược về phía những tên lính Nhật và cầu xin chúng bắn vào đầu để họ có thể về với Chúa ngay mà không phải chịu đựng thêm sự đau đớn. Thấy vậy, bọn lính cười ngặt nghẽo rồi nã đạn hoặc đâm lưỡi lê vào bụng họ.

 

Khi những người tù cầu xin được bắn thêm viên nữa để chấm dứt sự đau đớn, bọn lính tiếp tục đùa cợt với trò này và để mặc họ quằn quại, rên la vì quá đau đớn. Mười hai tù binh bị giết theo kiểu này". Nielson ẩn nấp ở đó trong vòng ba tiếng. Khi những tên lính Nhật đá các xác chết xuống một cái hố thì một phần cơ thể của Nielson bị một tên lính Nhật phát hiện ra. Tên này nói với những tên khác rằng hắn tìm thấy một xác tù binh Mỹ nữa. Ngay lúc đó, tiếng kẻng báo giờ ăn tối vang lên, bọn chúng liền bỏ mặc Nielson và nhiệm vụ truy tìm các tù binh khác. Nhân cơ hội đó, Nielson nhảy xuống vịnh và lặn một quãng xa. Hành động này của anh ngay lập tức đã bị bọn lính Nhật phát hiện ra. Khi anh ngoi đầu lên, có gần 20 tên lính Nhật đang bắn về phía anh. Anh bị trúng đạn vào chân, đầu và xương sườn. Mặc dù bị sóng đẩy ra biển, Nielson cuối cùng cũng đến được bờ nam của vịnh.


 

Cây thánh giá trong ngôi mộ của một tù binh Mỹ trong vụ thảm sát Palawan.

 

Người lính thông tin Joseph Barta sau này cho biết: "Ban đầu, tôi không chạy xuống hầm, nhưng một sĩ quan Nhật rút kiếm của hắn ra và bắt tôi phải chui vào chỗ ẩn nấp. Khoảng năm phút sau, tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi nhìn ra ngoài và trông thấy một số người tù đang bốc cháy và bị bọn lính Nhật bắn gục. Một trong số đó là người bạn của tôi, Ron Hubbard. Vì thế tôi cùng một số bạn tù khác chui qua hàng rào. Ngay khi chui qua được bờ rào, tôi quay lại và trông thấy một tên lính Nhật ném những can xăng, còn một tên khác thì ném một ngọn đuốc vào hầm".


Glen McDole.

Cuộc thảm sát tiếp tục cho đến tận tối hôm đó. Một vài tù binh Mỹ bị thương liền bị chôn sống. Những người cố gắng bơi qua vịnh đều bị những tên lính Nhật đứng trên bờ hoặc trên một xuồng đổ bộ bắn cho tới chết. Glen McDole, người lính thủy đánh bộ sống sót sau lần phẫu thuật ruột thừa không có thuốc mê, nấp trong một thùng rác cùng với hai tù binh khác. Một trong số họ bỏ chạy về hướng vịnh khi bọn lính Nhật đến gần và bị bắn chết.


Khi cuộc lùng sục kết thúc, vẫn còn một số tù binh Mỹ còn sống không bị phát hiện. Vài người trong số họ trốn trong cống thoát nước. Khi bọn lính Nhật soi đèn pin vào đường cống, họ liền ngụp xuống nước nên thoát chết. Sau khi màn đêm buông xuống, họ bơi ngang qua vịnh ở chỗ có bề ngang rộng 8 km. Trong số những người vượt biển thành công có Rufus Smith. Mặc dù tay và vai trái bị thương do cá mập cắn nhưng anh vẫn đến được bờ bên kia.


Trong số 146 người lính và 4 sĩ quan bị giam cầm ở nhà tù Palawan, chỉ 11 người sống sót sau vụ thảm sát diễn ra hôm 14/12/1944.


Phiên toà xét xử vụ thảm sát ở Palawan bắt đầu diễn ra hôm 2/8/1948 ở thành phố Yokohama, Nhật Bản. Bị đưa ra xét xử là một số sĩ quan chỉ huy trại giam. Chúng bị kết tội không thực hiện đúng chức trách của người chỉ huy. Do đó, phần lớn những kẻ bị truy tố có rất ít sự liên quan trực tiếp đến tội ác trong vụ thảm sát này. Thái độ của chúng được miêu tả là thờ ơ đến tàn nhẫn trước số phận của các tù binh thuộc quyền quản lý.


Người ta không tìm thấy tên chỉ huy trại giam. Trong thực tế, khó có thể thống kê được hết những kẻ đã gây ra tội ác ở đảo Palawan. Trận đánh giải phóng Palawan của Philippin và Mỹ đã gây ra những tổn thất vô cùng lớn về sinh mạng cho phía phát xít Nhật. Ước tính có khoảng 80.000 tên lính Nhật đã bị tiêu diệt trong trận đánh này. Nhiều trong số những tên lính tham gia vụ thảm sát Palawan có thể đã bị tử trận hoặc chết vì bệnh tật. Những tên khác có thể lẩn trốn đâu đó do lo sợ bị trả thù khi phát xít Nhật bại trận.


Khánh Chi (tổng hợp)

Thảm sát ở Palawan: Kỳ 2: Vụ thảm sát kinh hoàng
Thảm sát ở Palawan: Kỳ 2: Vụ thảm sát kinh hoàng

Một cuộc tấn công của quân đồng minh được thực hiện bởi một máy bay ném bom B-24 Liberator của Mỹ diễn ra hôm 19/10/1944 đã đánh chìm hai tàu và phá hủy một số máy bay của phát xít Nhật ở Palawan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN