Nói tới Palawan, người ta nghĩ ngay đến thiên đường du lịch của Philíppin, bởi từ lâu, Palawan đã nổi tiếng khắp thế giới với biển xanh cùng những bãi cát trắng phẳng lỳ. Nhưng ít người biết rằng trước khi trở thành thiên đường nơi hạ giới, Palawan đã từng là địa ngục chốn trần gian, nơi Nhật Bản giam cầm tù binh quân đồng minh. Và tại đây, trong những năm đầu Thế Chiến II đã diễn ra một vụ thảm sát tù nhân kinh hoàng.
Kỳ 1: Địa ngục trần gian
Trước những thất bại nặng nề trong những năm tháng đầu tiên của Thế Chiến II trên mặt trận Thái Bình Dương, hàng nghìn quân đồng minh đã bị bắt làm tù binh của phát xít Nhật. Trong số những tù binh Mỹ còn lại ở Philíppin có 346 người bị giam giữ ở thành phố Puerto Princesa trên đảo Palawan. Đây là số tù binh được chuyển đến hôm 1/8/1942 từ các trại giam tù binh chiến tranh ở thành phố Cabanatuan, nằm cách thủ đô Manila 560 km về phía bắc và từ nhà tù Bilibid ở ngay Manila.
Tù binh Mỹ bị giam giữ ở Palawan. |
Palawan nằm ở vành đai phía tây của biển Sulu, và các tù nhân đã được đưa đến đây bằng tàu thủy để xây dựng một sân bay. Mặc dù số lượng tù nhân thay đổi liên tục trong thời kỳ chiến tranh nhưng sự đối xử tàn bạo mà họ nhận được từ những tên lính Nhật thì lúc nào cũng giống nhau. Họ bị đánh đập bằng cán cuốc và những trận đòn bằng tay chân thì diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Những tù binh nào tìm cách bỏ trốn đều bị xử tử ngay lập tức.
Nhà tù Palawan còn được biết đến dưới cái tên Trại 10-A. Những người tù bị nhốt vào trong những dãy nhà hoang, đổ nát xiêu vẹo. Khẩu phần ăn uống hàng ngày của các tù binh cực kỳ khiêm tốn. Mỗi ngày, mỗi người được nhận một ít cơm gạo mục có xuất xứ từ Campuchia và một bát súp được nấu từ khoai lang và nước lã. Những ai không thể làm việc, khẩu phần ăn sẽ bị cắt giảm 30%.
Tù nhân bị giam trong dãy nhà bỏ hoang đổ nát xiêu vẹo. |
Một ngày tháng 12/1942, 6 tù binh Mỹ bị bắt quả tang lấy trộm thức ăn. Họ ngay lập tức bị trói vào cây dừa, đánh đập bằng dây thép gai và dùi cui gỗ. Sau màn tra tấn dã man này, họ bị bắt đứng nghiêm và sau đó bị một tên lính canh đánh đến bất tỉnh. Trong một vụ khác, một tên lính Nhật tên là Nishitani đã phạt hai tù binh Mỹ vì tội vặt trộm đu đủ xanh bằng cách dùng một thanh sắt bẻ gẫy tay trái của họ.
Không có chuyện chăm sóc y tế dành cho các tù nhân ở trong nhà tù này. Một lính thủy đánh bộ Mỹ được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa mà không có thuốc gây mê. Sau phẫu thuật, người tù này cũng không được dùng thuốc kháng sinh. Tù nhân ở đây mắc nhiều chứng bệnh như sốt rét, bệnh scorbut (chứng bệnh sinh ra do thiếu vitamin C), chứng nứt da và ghẻ lở, bên cạnh những chấn thương trong quá trình làm việc hoặc do sự đối xử thô bạo của những tên lính canh. Tháng 1/1944, khi hàng viện trợ của hội Chữ thập đỏ được gửi đến cho các tù nhân, quân Nhật tịch thu hết thuốc men để sử dụng cho chúng. Vì thế, thuốc chữa bệnh là một thứ đồ quá xa xỉ với các tù nhân ở Palawan.
Trại giam giữ tù binh của phát xít Nhật trên đảo Palawan. |
Một tù binh Mỹ kể lại, thỉnh thoảng giữa các tù binh Mỹ cũng xảy ra các vụ đánh lộn lẫn nhau khi họ làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa trên các con tàu chạy bằng động cơ hơi nước từ Naga và Isla Princesa ở Manila để vận chuyển đến Palawan. Những người tù làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa ở nhà tù Manila vẫn thường gửi những lời động viên đến các tù nhân đang bị giam giữ ở Palawan và thỉnh thoảng họ cũng nhận được lời động viên lại. Những lời động viên ấy phần nào giúp tù nhân ở những nhà tù này đoàn kết với nhau hơn và có thêm động lực để hy vọng vào một ngày họ được giải phóng khỏi địa ngục này. Tuy nhiên, do thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là bị đói nên một số tù binh Mỹ sẵn sàng cướp của bạn tù và chôm chỉa hàng chữ thập đỏ.
Đơn vị lính Nhật làm nhiệm vụ canh giữ tù nhân và sân bay ở Palawan là tiểu đoàn 131, đặt dưới sự chỉ huy của Đại úy Nagayoshi Kojima. Các tù binh Mỹ đặt cho tên chỉ huy này biệt danh “con chồn”. Trung úy Sho Yoshiwara chỉ huy đại đội quân đồn trú, còn Trung úy Ryoji Ozawa phụ trách bộ phận hậu cần. Thượng sĩ Taichi Deguchi chỉ huy đơn vị kempeitai (tình báo quân sự Nhật Bản) ở Palawan. Bất cứ ai rơi vào tay của đơn vị này đều cảm thấy khiếp đảm bởi những ngón đòn tra tấn vô cùng dã man và tàn bạo.
Tháng 9/1944, có 159 tù binh Mỹ ở Palawan được đưa trở lại Manila. Bọn Nhật tính toán rằng, 150 tù nhân còn lại có thể hoàn thành được khối lượng công việc xây dựng sân bay. Tổng diện tích cần phải dọn quang xấp xỉ 450.000 m2, trong đó đường băng thực tế có chiều dài 1.398 mét và chiều rộng 68,5 mét (95.800 m2). Ngoài việc đốn gỗ và làm các công việc nặng nhọc khác, những người tù cũng phải sửa chữa xe tải và làm các công tác bảo quản máy móc. Cuối tháng 9, tướng Shiyoku Kou, phụ trách toàn bộ tù binh chiến tranh ở Philíppin, ra lệnh rút toàn bộ 150 tù binh Mỹ còn lại về nhà tù Manila nhưng mệnh lệnh đó không được thực hiện cho đến tận giữa tháng 10.
Khánh Chi (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Vụ thảm sát kinh hoàng